Trạm thu phí An Sương - An Lạc tiếp tục thu đến năm 2033

(ĐTTCO)-Trạm thu phí An Sương - An Lạc đang thực hiện việc thu phí theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong Hợp đồng BOT và thời hạn thu phí thực tế kéo dài đến tháng 2-2033 do đầu tư xây dựng thêm 4 cầu vượt tại các nút giao trên tuyến.
Trạm thu phí An Sương - An Lạc tiếp tục thu đến năm 2033

Liên quan vụ hàng loạt tài xế không đồng ý mua vé và dừng xe tại làn thu phí An Sương - An Lạc quận Bình Tân TPHCM không chịu qua trạm, mặt dù nhân viên mở barie cho qua và cho rằng thời hạn thu phí đã quá 31 tháng, yêu cầu đơn vị đầu tư phải bỏ trạm thu phí, ngày 4-12, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO, Nguyễn Hồng Ninh cho biết, có sự hiểu nhầm về toàn bộ dự án BOT An Sương - An Lạc. Việc tiếp tục thu phí là để hoàn vốn đầu tư các các hạng mục nút giao trên tuyến với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng và thời gian thu phí đến 31-1-2033.

Theo IDICO, trước đó vào khoảng 17 giờ đến 18 giờ ngày 3-12 có 6 xe ô tô chạy vào các làn thu phí số 2, 6, 8, 10 (hướng An Sương - An Lạc) và làn số 9, 7, 3, 5 (hướng An Lạc - An Sương) không đồng ý mua vé qua trạm và viện dẫn một văn bản có nội dung: “… theo hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải với Công ty IDICO-IDI cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc từ tháng 4-2004, thời gian thu phí kéo dài 145 tháng, đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng và yêu cầu đơn vị đầu tư phải bỏ Trạm thu phí ….”.

Ngay sau sự việc xảy ra, IDICO đã cử cán bộ giải thích rõ cho lái xe là: Trạm thu phí đang thực hiện việc thu phí theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong Hợp đồng BOT và thời hạn thu phí thực tế kéo dài đến tháng 2-2033 do đầu tư xây dựng thêm 4 cầu vượt tại các nút giao trên tuyến.

Cùng với đó, Công ty đã cung cấp hồ sơ có liên quan, nhưng lái xe không đồng ý và tiếp tục đậu xe tại làn thu phí. Cũng trong khoảng thời gian này, xuất hiện nhiều người đứng tại các đảo có đặt cabin thiết bị thu phí, sử dụng điện thoại quay phim, chụp hình và kêu gọi các lái xe khác đang lưu thông vào làn thu phí không mua vé. Do đây là giờ cao điểm lưu lượng xe qua trạm đông, Công ty buộc phải xả trạm để đảm bảo an ninh trật tự tại trạm và báo cáo việc này với các cơ quan chức năng.

Khoảng 17 giờ 30, các lực lượng Công an phường, Công An quận Bình Tân, Công an giao thông Trạm Phú Lâm đã có mặt tại trạm để phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục hò hét kêu gọi các lái xe khác không cần mua vé và yêu cầu các xe qua nhanh nên công ty phải tiếp tục xả trạm. Đến khoảng 23 giờ, trật tự được vãn hồi và trạm thu phí trở lại.

Sự việc xảy ra chiều tối ngày 3-12, ngoài tầm kiểm soát của Công ty, Công ty IDICO-IDI đề nghị UBND TPHCM, Sở GTVT, UBND quận Bình Tân và các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ phân làn, xử lý kịp thời khi có phương tiện giao thông cố tình đậu và gây rối ở làn thu phí để tránh kẹt xe. Xử lý các chủ phương tiện dừng đỗ quá 5 phút tại khu vực cabin thu phí ra khỏi làn thu phí và có biện pháp xử lý; có biện pháp thích hợp để hạn chế người không có nhiệm vụ tụ tập đông tại khu vực Trạm thu phí gây mất trật tự và an ninh khu vực…

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc với chiều dài 13,681m, rộng 36,2m (gồm 6 làn xe cơ giới rộng 3,5m, 2 làn xe thô sơ rộng 2,8m, dải phân cách rộng 1,6m, vỉa hè mỗi bên 4m). Xây dựng 5 nút giao thông đồng mức và 6 cầu mới trên tuyến. Dự án ban đầu đã hoàn thành ngày 31-12-2004 và đưa vào khai thác thu phí hoàn vốn từ ngày 2-1-2005 đến 31-1-2017. Nhằm từng bước hoàn chỉnh quy hoạch trên tuyến Quốc lộ 1 cũng như giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao trên tuyến đã xây dựng bổ sung thêm 4 nút giao khác mức (cầu vượt Tỉnh lộ 10B, cầu vượt Tỉnh lộ 10, cầu vượt Hương lộ 2, cầu vượt Lê Trọng Tấn) với tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng.

Các tin khác