Cẩn trọng suy giãn tĩnh mạch chi dưới

(ĐTTCO) - Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý thường gặp, và tần suất mắc bệnh ngày càng tăng. Đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh của nữ giới cao hơn nam giới gấp 3 lần. Đây là bệnh lý của hệ tĩnh mạch chi dưới, khi máu trở về tim bị cản trở, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn ở chi dưới gây những khó chịu cho người bệnh, về lâu dài ảnh hưởng đến khả năng làm việc cũng như chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân và biểu hiện
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường bắt nguồn từ những nguyên nhân như: bất thường về di truyền hay huyết động của hệ tĩnh mạch nông; bất thường về giải phẫu của các van tĩnh mạch sâu; hội chứng hậu huyết khối; dị sản tĩnh mạch; bị chèn ép (khối u, hội chứng Cockeet); bị chèn ép về mặt huyết động (có thai, chơi thể thao). Ngoài ra còn những yếu tố như người lớn trên 50 tuổi, béo phì, nữ giới, phụ nữ mang thai, gia đình có người mắc bệnh, người làm công việc phải đứng lâu ngồi nhiều (giáo viên, thợ cắt tóc, nhân viên văn phòng…). 
Cẩn trọng suy giãn tĩnh mạch chi dưới ảnh 1
Khi bị suy giãn tĩnh mạch, người bệnh có thể gặp những biểu hiện khác nhau trong từng giai đoạn. Giai đoạn đầu, người bệnh thường có cảm giác tê, nặng mỏi vùng bắp chân, bàn chân, chuột rút, phù chân thường xuất hiện về buổi chiều tối. Giai đoạn sau, xuất hiện hình ảnh các tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo ở vùng chân. Giai đoạn nặng, tình trạng loét da, viêm tĩnh mạch hay huyết khối tĩnh mạch sâu. Trường hợp gây huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây biến chứng nguy hiểm là tắc mạch.Đến giai đoạn này việc điều trị bệnh sẽ khó khăn và kém hiệu quả.
Nếu người bệnh có dấu hiệu mắc bệnh, cần thực hiện một vài xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm màu tĩnh mạch chi dưới, giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng cũng như mức độ suy giãn của tĩnh mạch, đồng thời phát hiện huyết khối của tĩnh mạch sâu để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu.
Điều trị bệnh
Đầu tiên cần xác định được tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Tùy mức độ bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân. Đối với suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn sớm, việc điều trị sẽ hiệu quả bằng các biện pháp thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Cụ thể, cần thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc hạn chế đứng lâu, ngồi lâu ở một tư thế. Tập các môn thể thao tốt cho hệ tĩnh mạch, chế độ ăn tăng cường nhiều chất xơ để tránh táo bón và vitamin, đặc biệt là vitamin C để tăng cường sức bền thành mạch, mang vớ y khoa đúng cách.
Cẩn trọng suy giãn tĩnh mạch chi dưới ảnh 2
Bên cạnh đó, người bệnh cần tập các bài tập phục hồi chức năng dành cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch, sử dụng vật lý trị liệu bằng máy nén ép tĩnh mạch giúp giảm triệu chứng của bệnh. Sử dụng các thuốc giúp tăng trương lực tĩnh mạch, trong đó y học cổ truyền thường dùng thuốc đông y, châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt có ích trong giai đoạn sớm của bệnh.
Nếu người bệnh bị suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn muộn, phải sử dụng biện pháp can thiệp có xâm lấn như chích xơ tĩnh mạch, điều trị nhiệt nội tĩnh mạch bằng sóng cao tần hay laser, và cuối cùng là phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch giãn.
Để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, mọi người cần chú ý những vấn đề sau. Cần có chế độ sinh hoạt và làm việc hợp lý, hạn chế việc ngồi lâu, đứng lâu ở một tư thế. Giảm cân khi có thừa cân. Không nên bận quần áo quá chật, đặc biệt là bó sát vùng chậu hông và chân. Tập luyện các môn thể thao phù hợp như: đi bộ, bơi lội, xe đạp, khiêu vũ. Hạn chế chơi các môn thể thao dễ gây chấn động hệ tĩnh mạch chân như: nhảy cao, nhảy xa, tennis, bóng đá…
Nhiều người thường bỏ thói quen đi bộ khi biết mình bị suy tĩnh mạch, bởi sợ đi bộ khiến máu dồn xuống 2 chân nhiều hơn và làm nặng thêm tình trạng suy tĩnh mạch. Tuy nhiên, đi bộ là môn thể thao rất có lợi cho sức khỏe. Chuyển động của đôi chân không những tốt cho hệ tim mạch mà còn giúp giảm cân, ngăn ngừa béo phì.
Đối với hệ tĩnh mạch, động tác đi bộ làm co thắt các cơ cẳng chân, ép vào các tĩnh mạch sâu, làm cho máu tĩnh mạch được đẩy về tim tốt hơn, giảm ứ đọng ở các tĩnh mạch nông, giảm các triệu chứng đau nhức và khó chịu của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới. Do đó, những người bị suy giãn tĩnh mạch nên tập và duy trì thói quen đi bộ mỗi ngày.
Khi đi ngủ nên nằm kê cao chân hơn mức tim từ 15-20cm để giúp máu trở về tim dễ dàng hơn. Không nên xoa dầu nóng vào chân, ngâm chân bằng nước nóng khi có biểu hiện bệnh suy giãn tĩnh mạch. Tập luyện thường xuyên những bài tập tốt cho hệ tĩnh mạch chân. Khi có biểu hiện suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám, không nên tự ý mua thuốc sử dụng.  

Các tin khác