Lá mỏ quạ chữa vết thương phần mềm

(ĐTTCO) - Mỏ quạ là loại cây nhỏ, thân mềm yếu, nhiều cành, thường mọc thành bụi. Đặc tính của cây là chịu hạn khỏe, rễ hình trụ có nhiều nhánh, mọc ngang, rất dài, nếu gặp đá có thể xuyên qua được, nên còn có tên là xuyên phá thạch. Thân và cành có rất nhiều gai, có những gai mọc lâu năm cong xuống giống mỏ con quạ (nên có tên mỏ quạ). 
Cây còn có những tên gọi khác như hoàng lồ, vàng lồ. Tên khoa học là Cudrania tricuspidata, họ dâu tằm (Moraceae). Cây mọc hoang nhiều nơi ở nước ta, được trồng làm hàng rào ở đất vườn, nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc, mùa hoa ở Hà Nội khoảng tháng 4 hàng năm, mùa quả tháng 10-11. Bộ phận sử dụng chính là lá tươi, thu hái quanh năm, có khi dùng cả rễ.
Thành phần hóa học của mỏ quạ chủ yếu là Flavonoid. Bằng các phương pháp sắc ký cột, sắc ký giấy và sắc ký lớp mỏng còn phát hiện thêm khoảng 23 hợp chất phenol có màu, được tách ra thành 7 nhóm, từ F1 đến F7.
Theo đông y, mỏ quạ có vị đắng nhẹ, tính mát, có tác dụng lương huyết (làm mát máu), hoạt huyết phá ứ (thông mạch máu, tan máu tụ). Thân rễ và thân cành cũng có tác dụng hoạt huyết tán ứ. Dùng chữa phong thấp, thường phối hợp với các vị thuốc có tác dụng khu phong, trừ thấp như cành dâu, quế chi, thiên niên kiện. Đặc biệt lá mỏ quạ có thể dùng trị vết thương phần mềm. 

Điều trị vết thương 
Tác dụng này theo kinh nghiệm của cụ lương y Nguyễn Văn Long ở Hải Dương đã dùng lá mỏ quạ chữa cho hàng trăm thương binh và nhân dân của tỉnh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau đó, ông đã cống hiến cho Viện Đông Y Hà Nội sau năm 1954 theo lời mời của cố BS Nguyễn Văn Hưởng lúc đó.
Thực nghiệm trên những chế phẩm của lá mỏ quạ nhận thấy có tác dụng kháng sinh ở mức độ vừa, có khả năng tăng cường thực bào, tăng cường chuyển dạng Lympho bào (để sản xuất ra kháng thể).
Ngoài ra, qua nghiên cứu về giải phẫu bệnh trong quá trình biến đổi của vết thương trên thỏ thực nghiệm, đồng thời nghiên cứu về tính chất dược lý, hóa thực vật, tính kháng sinh đã chứng minh cơ chế tác dụng của lá mỏ quạ trong điều trị vết thương phần mềm - đặc biệt vết thương phần mềm có mủ - và một số bệnh lý ngoài da. Rễ dùng trị đòn ngã, phong thấp, đau mỏi lưng gối, ho ra máu hoặc khạc ra đờm lẫn máu… Kinh nghiệm dân gian khuyên không nên dùng cho phụ nữ có thai.
Lá mỏ quạ chữa vết thương phần mềm ảnh 1
Các nghiên cứu cho thấy lá mỏ quạ có những tác dụng: Nhanh chóng làm mất mùi hôi thối của vết thương nhiễm trùng, trung bình sau 3-4 ngày. Xúc tiến nhanh quá trình dọn sạch vết thương, một giai đoạn quan trọng trong quá trình hàn gắn vết thương. Đông y gọi hoạt động này là tác dụng “khứ hủ”. Làm nhanh đầy vết thương, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình liền sẹo, đông y gọi là “sinh cơ”.

Cách dùng trị vết thương 
Lá mỏ quạ dùng đơn thuần được chỉ định dùng trong những trường hợp sau: Các vết thương phần mềm mới mắc, vết thương nhiễm trùng, vết thương lâu lành. Các vết bỏng độ 2, độ 3, vết thương mất da để lộ gân xương, các đường rò phần mềm, rò do viêm xương, rò hậu môn... Những trường hợp này cần xem xét kết hợp với ngoại khoa của y học hiện đại.
Cách sử dụng để điều trị vết thương phần mềm tương đối đơn giản, chỉ cần hái lá tươi về rửa sạch, bỏ cọng, giã nhỏ đắp vào vết thương, băng lại. Trước đó, vết thương nên được rửa sạch với nước lá trầu không (40g lá trầu nấu với 2 lít nước, thêm vào 8g phèn phi rồi lọc). Nước này có thể dùng để rửa vết thương mỗi lần thay băng sau đó. Nếu vết thương lâu đầy miệng có thể dùng phối hợp với dầu mù u hoặc dùng lá bòng bong với lượng bằng lá mỏ quạ giã chung đắp.
Lá mỏ quạ chữa vết thương phần mềm ảnh 2
Cần phân biệt  cây mỏ quạ với cây song ly to hay còn gọi là mộc tiền to, dây tổ kiến, dây mỏ quạ, có tên khoa học là Dischidia rafflesiana, họ thiên lý (Asclepiadaceae). Cây này là một loại dây leo phụ sinh, thường ký sinh trên cây cổ thụ, có mủ trắng, thân không có lông.
Lá có 2 dạng: loại thứ nhất là lá thường, có phiến hình bầu dục, chóp nhọn, có lông mịn ở mặt trên. Loại thứ hai lá hình bầu, dài 5-7cm. Quả đại, dài 5-8cm, màu xanh chứa đầy nhựa màu trắng như sữa, không lông, là loại quả giả giống mỏ con quạ, bên trong có nhiều chất mùn và kiến thường làm tổ trong đó, rễ mỏ quạ phát triển trong những trái giả này để hút dưỡng chất. Cây này hay gặp ở vùng bình nguyên và trung nguyên các tỉnh phía Nam, hiện phân bố nhiều trong các khu rừng ở đảo Phú Quốc.
Trước đây, người dân vùng Cà Mau có kinh nghiệm dùng lá hình bầu để chữa rắn hổ mang cắn. Những năm gần đây, người ta dùng quả đem ngâm rượu, gọi là rượu mỏ quạ (là một đặc sản ở Phú Quốc), có tác dụng hoạt huyết. Thường chọn quả còn nguyên tổ kiến bên trong, ngâm khoảng 15 ngày có thể dùng được, rượu có màu đỏ đậm. Có khi phối hợp thêm với vài vị thuốc có tác dụng khu phong, trừ thấp, và có vị ngọt để giảm bớt vị đắng của mỏ quạ. 

Các tin khác