Bùng phát lừa đảo tiền qua tài khoản

(ĐTTCO) - Gần đây, các NH liên tục phát đi cảnh báo về đảm bảo an toàn trong giao dịch thẻ, những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản NH. 
Cảnh báo này xuất phát từ nhiều trường hợp đã và đang xảy ra gây thiệt hại cho không ít người. Điều này đang dấy lên nỗi lo về tình trạng lừa đảo công nghệ cao thông qua các dịch vụ NH hiện đại.
Cảnh báo lừa đảo gia tăng
Trong tháng 6-2018, HDBank đã gửi email cảnh báo khách hàng về phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại bằng hình thức mở tài khoản NH và đăng ký dịch vụ internet banking.
Các đối tượng lừa đảo mạo danh công an, điều tra viên, viện kiểm sát, tòa án, gọi điện thoại lấy lý do cần kiểm tra, xác minh giám định một món tiền nào đó có liên quan đến đường dây tội phạm. Qua đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu người bị hại ra NH mở tài khoản và đăng ký dịch vụ internet banking, nhưng sử dụng số điện thoại do kẻ lừa đảo cung cấp.
 Nguyên nhân dẫn đến bị lừa đảo là do người dân còn thiếu cảnh giác, cả tin. Tuy nhiên, một nguyên nhân lớn để nạn lừa đảo tài sản thông qua tài khoản NH phát triển ngày càng nhiều là từ sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chức năng. Trong đó vấn đề đáng chú ý nhất là chưa có quy định bắt buộc về nội dung chuyển khoản theo đúng tiêu chuẩn.
Tiếp theo, các đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển/nộp tiền vào tài khoản vừa mở và cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu để giám sát tài khoản. Sau đó, các đối tượng lừa đảo thực hiện đăng nhập và chuyển tiền sang tài khoản khác bằng internet banking. Ngoài ra, HDBank cũng cảnh báo thêm về hình thức lừa đảo Phishing, một phương thức lừa đảo giả mạo các tổ chức có uy tín như NH, website mua bán trực tuyến và các công ty thẻ tín dụng, để lừa đảo người dùng chia sẻ thông tin tài chính như tên đăng nhập, mật khẩu giao dịch, các thông tin nhạy cảm khác…
Do vậy, NH khuyến cáo khách hàng không cung cấp mật khẩu hay thông tin cá nhân cho bất kỳ email nào, chú ý đến tên miền các website khi truy cập. 
Một hình thức lừa đảo nữa vừa được Agribank thông báo vào ngày 2-7 vừa qua là giao dịch lừa đảo qua email. Cụ thể, gần đây có một số trường hợp khách hàng chuyển tiền không đến đúng người hưởng do bị hack email, đã đến NH yêu cầu hỗ trợ đòi lại tiền từ NH nước ngoài, nhưng đã bị đối tượng lừa đảo lấy mất.
Thông thường những trường hợp này hacker thường hướng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty có tính bảo mật không cao, thiếu các quy định về an toàn khi sử dụng email… để đưa thư chào giả mạo, hoặc xâm nhập vào hệ thống email của khách hàng, hoặc đối tác để thay đổi thông tin về người hưởng trên hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng hay các chứng từ.
Một số dấu hiệu của đối tượng lừa đảo qua email thường dùng là hợp đồng, và các giao dịch liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đều thực hiện qua email, không xác nhận giao dịch bằng các hình thức khác (như điện thoại, fax…).
Bên nhận tiền yêu cầu chuyển tiền thanh toán tới một tài khoản mới, hoặc quốc gia khác với những lần trước đó, hoặc chỉ dẫn thanh toán qua các NH nội địa có quy mô nhỏ, các quỹ tín dụng để tận dụng hệ thống thanh toán tự động và không có mạng lưới đại lý rộng rãi; chỉ dẫn thanh toán qua một NH ở Hoa Kỳ hay NH ở Đức trong khi người nhận ở Italia…

Lỏng lẻo nhiều phía
Các cảnh báo của NH xuất phát từ việc gần đây khách hàng mất tiền sau khi thực hiện các giao dịch chuyển khoản do sự cả tin, thiếu thận trọng ngày càng gia tăng. Trong đó, tình trạng khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, hoặc cung cấp số điện thoại mở tài khoản không chính chủ, gây ra tổn thất tài sản xảy ra khá thường xuyên.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, ngay khi xuất hiện những trường hợp đầu tiên, NHNN đã yêu cầu các NH trên địa bàn nhắc nhở nhân viên hỏi rõ về số điện thoại đăng ký mở tài khoản, mở internet banking có thuộc chủ tài khoản hay không để kịp thời cảnh báo cho khách hàng. Sau đó, NHNN khuyến cáo khách hàng sử dụng số điện thoại chính chủ khi đăng ký dịch vụ NH điện tử, mobile banking. 
Bùng phát lừa đảo tiền qua tài khoản ảnh 1
Tuy nhiên, lãnh đạo 1 NHTMCP cho biết, một số khách hàng khi mở tài khoản vẫn chắc chắn số điện thoại chính chủ, đến khi xảy ra vụ việc mới biết đó là số điện thoại do đối tượng lừa đảo cung cấp.
Để phòng chống rửa tiền hay các giao dịch phạm pháp, theo quy định của NHNN, các NH có thể chặn lại các giao dịch đáng ngờ trong 3 ngày để kiểm tra, nhưng nhiều khách hàng đến giao dịch cung cấp giấy tờ đầy đủ nên nhân viên cũng không phát hiện được cho đến khi chính người bị hại khai báo bị lừa.
Vì vậy, việc chặn các giao dịch không minh bạch cũng là một vấn đề nan giải của các NH. 
Còn với trường hợp bị hack email, Agribank cho biết các hacker sử dụng các chiêu sửa nội dung hợp đồng ký qua email hoặc bổ sung phụ lục hợp đồng, giả mạo email để thay đổi thông tin người hưởng, như thay đổi tên công ty trong thư điện tử (XYZadvertising.com thành XYZaddvertising.com), thay đổi tên miền công ty thành tên miền công cộng (@yahoo.com, @gmail.com) hoặc sửa, chèn thông tin người hưởng trên hợp đồng hoặc hóa đơn.
Do đó, khách hàng không xem xét cẩn thận nên chuyển tiền và bị mắc lừa. Khả năng đòi lại tiền trong các trường hợp giao dịch bị hack email rất khó, do kẻ lừa đảo thường rút tiền ra ngay sau khi tiền được ghi có vào tài khoản, hoặc do thủ tục đòi tiền rất phức tạp từ phía các NH nước ngoài.
Theo các chuyên gia, cùng với sự phát triển của dịch vụ NH hiện đại, các hình thức lừa đảo công nghệ cao cũng gia tăng về số lượng lẫn hình thức. Ngoài những trường hợp lừa đảo mà các NH đã cảnh báo, hiện còn nhiều hình thức như gửi email giả mạo với nội dung thông báo giao dịch bị từ chối, hoặc tài khoản bị khóa để yêu cầu chủ tài khoản phải cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin để kích hoạt hoặc mở lại tài khoản; gửi email thông báo trúng thưởng và yêu cầu người nhận cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin về tài khoản thanh toán trực tuyến để nhận tiền thưởng hay mượn giấy chứng minh nhân dân để mở tài khoản NH.
Nguyên nhân dẫn đến bị lừa đảo là do người dân còn thiếu cảnh giác, cả tin. Tuy nhiên, một nguyên nhân lớn để nạn lừa đảo tài sản thông qua tài khoản NH phát triển ngày càng nhiều là từ sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chức năng. Trong đó vấn đề đáng chú ý nhất là chưa có quy định bắt buộc về nội dung chuyển khoản theo đúng tiêu chuẩn.
Các giao dịch chuyển tiền tại các NH ở nước ngoài hầu hết đều được kiểm soát chặt chẽ nội dung chuyển khoản bao gồm tên chủ thẻ, chuyển cho ai, chuyển để làm gì, để tránh tình trạng tội phạm lợi dụng rửa tiền hoặc lừa đảo, cũng như xác minh được bên nhận tiền.
Tuy nhiên, các NH Việt Nam không quy định khách hàng phải ghi rõ nội dung chuyển khoản trong các giao dịch chuyển tiền, theo đó khả năng phát hiện các giao dịch đáng ngờ cũng như xác định người nhận cũng rất thấp. Với những trường hợp như vậy, khi khách hàng khiếu nại, phía NH chỉ có thể hỗ trợ chứ không thể can thiệp đòi lại tiền. 

Các tin khác