Cảnh báo việc thu thập trái phép thông tin của người tiêu dùng

(ĐTTCO)-Theo phản ánh gửi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mặc dù không đi vay nợ nhưng người dùng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ.
Theo đơn phản ánh, mặc dù không đi vay nợ nhưng một số người tiêu dùng liên tục bị gọi điện thoại, đe dọa, ép buộc trả nợ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo đơn phản ánh, mặc dù không đi vay nợ nhưng một số người tiêu dùng liên tục bị gọi điện thoại, đe dọa, ép buộc trả nợ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong 8 tháng đầu năm 2019, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận và giải quyết số lượng lớn các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến các nhóm hàng hóa dịch vụ thiết yếu.

36% số đơn tiếp nhận liên quan đến bảo vệ thông tin

Theo thống kê, đến hết ngày 31/8, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã hỗ trợ giải quyết thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý 360 vụ việc trong tổng số 375 vụ việc tiếp nhận (chiếm khoảng 96%).

Trong khi đó, số lượng khiếu nại còn lại đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải quyết.

Chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các nhóm hành vi bị khiếu nại là hành vi về Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng (chiếm 36%).

Đáng chú ý, nội dung khiếu nại chủ yếu tập trung vào việc doanh nghiệp thu thập trái phép thông tin của người tiêu dùng, không ghi nhận yêu cầu chỉnh sửa thông tin của người dùng, dẫn tới việc tiếp tục sử dụng thông tin vào các mục đích xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Ngoài ra, nhóm hành vi có tỷ lệ khiếu nại cao liên quan đến các nội dung về giao kết hợp đồng, không tạo điều kiện để người tiêu dùng tìm hiểu và nghiên cứu nội dung hợp đồng trước khi ký; không tư vấn đầy đủ thông tin về hợp đồng trước khi ký; không gửi bản sao hợp đồng để người tiêu dùng lưu trữ sau khi ký hay nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn ban đầu… nhóm hành vi này chiếm tỷ lệ 22% trong tổng số các khiếu nại gửi tới nhà chức trách.

Tiếp đến là hành vi cung cấp thông tin. Theo đó, người tiêu dùng khiếu nại việc tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không thuận tiện…, dẫn đến người tiêu dùng khó khăn hoặc bị hiểu nhầm trong việc đưa ra quyết định mua bán, sử dụng dịch vụ, nhóm này chiếm 16% tổng số khiếu nại.

Báo cáo cũng cho thấy, nhóm hành vi liên quan đến số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng chiếm tỷ lệ khoảng 12%. Các hành vi chủ yếu liên quan đến việc giao hàng chậm, số lượng, chất lượng hàng không đúng như nội dung quảng cáo, trong đó, phần lớn giao dịch liên quan của người tiêu dùng được thực hiện thông qua các sàn thương mại điện tử hoặc qua các trang mạng xã hội.

“Nhóm hành vi liên quan đến thực hiện bảo hành chiếm 3% và 11% còn lại liên quan đến các nhóm hành vi khác,” đại diện Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay.

Các tin khác