Cấp tập thoái vốn

(ĐTTCO) - Trong những tháng gần đây, nhiều NHTM liên tục thông báo thoái vốn. Không chỉ thoái vốn từ các TCTD khác nhằm thực hiện quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động tại Thông tư 36 của NHNN, một số NH đang tích cực thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thu hồi vốn góp tại những DN kinh doanh kém hiệu quả.
Giảm sở hữu chéo
Ngày 20-11, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Vietcombank đã bán đấu giá thành công gần 20 triệu cổ phiếu (CP) tại SaigonBank và Công ty tài chính cổ phần Xi măng (CFC). Cụ thể, Vietcombank bán 13,2 triệu CP tại SaigonBank với mức giá khởi điểm 12.550 đồng/CP.
20 nhà đầu tư (NĐT) đã đăng ký tham gia đấu giá gồm 19 cá nhân và 1 tổ chức, với tổng khối lượng đặt mua hợp lệ đạt hơn 53,8 triệu CP, gấp 4,1 lần so với khối lượng CP chào bán. Giá đặt mua cao nhất 20.100 đồng/CP và thấp nhất 12.550 đồng/CP.
Kết quả 1 NĐT tổ chức và 1 NĐT cá nhân đã mua hết 100% số CP đưa ra đấu giá với giá đấu thành công bình quân 20.100 đồng/CP. Theo đó, Vietcombank đã thu về 266,3 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm đưa ra trước phiên đấu giá. 
 Nghị định 93/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh NH nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại TCTD do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và TCTD có vốn nhà nước, đã quy định cụ thể các nguyên tắc góp vốn, mua CP, chuyển nhượng vốn của TCTD. Theo đó điều kiện ràng buộc đối với loại hình góp vốn, mua CP của các TCTD được quản lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng sở hữu chéo giảm thiểu rủi ro cho hoạt động của ngành NH.

Song song đó, 6,6 triệu CP tại CFC cũng được Vietcombank chào bán giá khởi điểm 11.549 đồng/CP. 9 NĐT cá nhân đã đăng ký mua với khối lượng 6,671 triệu CP, cao hơn 1% so với khối lượng CP chào bán. Kết quả 100% CP đưa ra đấu giá đã được bán hết cho 9 NĐT cá nhân, giá đấu thành công bình quân 11.554 đồng/CP, cao hơn 5 đồng/CP so với giá khởi điểm, thu về hơn 76,2 tỷ đồng.
Như vậy hiện Viecombank chỉ còn sở hữu vốn tại 3 TCTD, gồm 126,56 triệu CP MBB (tương đương 6,97% vốn điều lệ), 101,19 triệu CP Eximbank (tương đương 8,19% vốn điều lệ) và 20,28 triệu CP OCB (tương đương 5,07% vốn điều lệ).

Thoái vốn ngoài ngành
Bên cạnh việc thoái vốn khỏi TCTD khác, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các NHTM cũng diễn ra sôi động. Ngày 21-11, Oceanbank tiến hành bán đấu giá 4 triệu CP tại CTCP Bất động sản Dầu khí Việt Nam (PV-SSG) với giá khởi điểm 10.638 đồng/CP. 4 NĐT cá nhân và 1 NĐT tổ chức đã đăng ký tham gia với tổng khối lượng CP đăng ký mua 4,26 triệu CP. Giá mua cao nhất 10.640 đồng/CP, đây cũng là mức giá đấu thành công bình quân.
Cuối cùng, số CP này đã được 1 NĐT tổ chức mua với tỷ lệ 100%, Oceanbank thu về hơn 42,5 tỷ đồng. Tháng 7 vừa qua HNX cũng thông báo SeABank đăng ký bán 416.300 CP PND của CTCP Xăng dầu Dầu khí Nam Định (tương đương 6,24% vốn điều lệ) theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Đến đầu tháng 8, SeABank đã không còn sở hữu CP tại CTCP Xăng dầu Dầu khí Nam Định. Trong khi đó, CTCP Đầu tư Xăng dầu Việt Nam cũng công bố đã mua thành công 416.300 CP PND, trở thành cổ đông lớn của công ty này.
Cấp tập thoái vốn ảnh 1 Thông qua Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Vietcombank đã thoái vốn thành công 20 triệu cổ phần Saigonbank. 
Liên quan đến việc thoái vốn, gần đây Agribank thông báo bán đấu giá CP tại một số công ty, dự kiến vào ngày 15-12 tới. Cụ thể, NH này sẽ bán đấu giá 5,29 triệu CP tại CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam, với giá khởi điểm 18.990 đồng/CP; đấu giá hơn 12,6 triệu cổ phần để thoái vốn tại Tổng công ty Vàng Agribank Việt Nam (AJC), giá khởi điểm 13.900 đồng/CP và giới hạn số lượng mua tối đa NĐT nước ngoài 5,29 triệu CP; bán Công ty Cho thuê tài chính I Agirbank (ALCI) do NH sở hữu 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện chỉ đạo của NHNN về phương án xử lý pháp nhân ALCI và Nghị quyết kỳ họp HĐTV Agribank lần thứ IV năm 2017. Riêng 2 cuộc đấu giá tại CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam và AJC, nếu thành công Agribank sẽ thu về 275 tỷ đồng.Giảm rủi ro cho NH
Điều 20 Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, quy định 1 NHTM mua CP của không quá 2 TCTD khác, đồng thời tỷ lệ sở hữu tại TCTD khác cũng không quá 5%. Lộ trình để các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu CP tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Tại ĐHCĐ của Vietcombank vào tháng 4-2017, cổ đông tỏ ra rất quan tâm đến kế hoạch thoái vốn và lãnh đạo NH cho biết trong 5 TCTD đang sở hữu vốn chỉ tập trung lớn ở MB và Eximbank.
Trong đó MB là NH hiệu quả có cổ tức tốt, với Eximbank, NH đã trình và xin ý kiến NHNN. Theo đó, NHNN cho giữ Eximbank và MBB. Nhưng Vietcombank sẽ thoái vốn khỏi Eximbank trong thời gian tới. Nếu thoái vốn thành công ở 2 NH này sẽ đem lại khoản lợi nhuận đáng kể 700 tỷ đồng. Trước mắt Vietcombank sẽ thoái vốn khỏi SaigonBank, OCB, CFC. 
Về hoạt động thoái vốn của các NH khác, theo một chuyên gia tài chính đây là giải pháp để NH thu hồi các khoản vốn đầu tư ngoài ngành, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Các công ty NH đăng ký thoái vốn chủ yếu là DN có kết quả hoạt động yếu kém. Chẳng hạn PV-SSG với hoạt động kinh doanh chính đầu tư, xây dựng, quản lý và kinh doanh dự án tổ hợp khách sạn Dầu khí Việt Nam (Hà Nội), chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 58 triệu đồng trong năm 2015 và 30 triệu đồng trong năm 2016.
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế của PV-SSG trong năm 2017 cũng chỉ 94 triệu đồng. Hay tại AJC, 9 tháng năm 2017 doanh thu thuần đạt hơn 745 tỷ đồng (giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái), cộng với giá vốn quá cao dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 14 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của AJC sau 9 tháng chỉ hơn 1,1 tỷ đồng, giảm tới 73% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Các tin khác