Cuộc đua huy động đang nóng lên

(ĐTTCO)-Nửa đầu năm 2019, vốn huy động chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt xuất hiện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) có mức tăng trưởng huy động âm. Để các NH có thể đáp ứng nhu cầu vốn vay cũng như cân đối tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, dự báo cuộc đua huy động vốn trong những tháng cuối năm sẽ càng gay gắt hơn. 
PGBank là một trong số ít NH có mức tăng trưởng tiền gửi âm.
PGBank là một trong số ít NH có mức tăng trưởng tiền gửi âm.
Tăng trưởng huy động chậm
Vốn huy động có vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động kinh doanh của NH, là cơ sở để các NHTM thực hiện nghiệp vụ tín dụng, thanh toán và các nghiệp vụ kinh doanh khác.
Trong đó, NH có khả năng huy động vốn cao có thể mở rộng được quy mô và cạnh tranh có hiệu quả, nâng cao vị thế trên thương trường. Do vậy, cạnh tranh trong tăng huy động luôn là mục tiêu của các NHTM. Thực tế các năm 2016, 2017 và 2018 đã ghi nhận tăng trưởng huy động đều ở mức cao. 
Dù vậy, quý I-2019 tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán có phần giảm sút, chỉ đạt 2,54% so với mức 3,23% của cùng kỳ 2018. Huy động vốn cũng chỉ tăng 1,72%, thấp hơn so với mức 2,43% năm 2017 và 2,2% năm 2018.
Đến cuối quý II, tổng tiền gửi khách hàng tại 25 NHTM đã công bố báo cáo tài chính đạt 5,59 triệu tỷ đồng, tăng 7,17% so với đầu năm, thấp hơn so với mức 7,78% cùng kỳ năm ngoái. 
Trong đó, 3 NHTM có vốn nhà nước chiếm 50% tổng huy động với 2,78 triệu tỷ đồng, gồm BIDV đạt 1,06 triệu tỷ đồng tiền gửi, Vietcombank giữ vị trí thứ 2 với 870.000 tỷ đồng, Vietinbank gần 847.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên chỉ Vietcombank ghi nhận mức tăng huy động 8,6% so với cùng kỳ 8,4%. BIDV và Vietinbank đều huy động thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể BIDV tăng trưởng tăng 7,09% (cùng kỳ năm ngoái tăng 12,16%), Vietinbank tăng 2,55% (cùng kỳ năm ngoái tăng 13,2%).
Ở nhóm NHTMCP, một số NH quy mô lớn có mức tăng trưởng huy động tiền gửi cao, như VPBank tăng 15,52%, đạt 197.000 tỷ đồng; VIB tăng 16,84%, đạt 99.158 tỷ đồng; Sacombank tăng tới 11,12%; Techcombank tăng 9,36% và SCB tăng 8,94%.
Trong khi nhóm NH quy mô vừa và nhỏ có mức tăng trưởng huy động khá thấp. VietCapitalbank có lãi suất tiền gửi cao trong hệ thống nhưng chỉ huy động được hơn 34.000 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 2,34%; Kienlongbank huy động 30.759 tỷ đồng, tăng 5,32%. Thậm chí, một số NH ghi nhận tăng trưởng tiền gửi âm như PGBank giảm 7,82%, Saigonbank giảm 0,61%…

Gia tăng áp lực huy động 
 Áp lực cạnh tranh tăng lãi suất huy động của các NH ngày càng gay gắt, khi NHNN định hướng các nhà băng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn để đảm bảo an toàn hoạt động. 
Tăng trưởng huy động chậm trong 6 tháng đầu năm là điều khá bất ngờ. Bởi lẽ, trong nửa đầu năm chưa có kênh đầu tư nào cạnh tranh với kênh tiền gửi, khi lãi suất kỳ hạn 6 tháng trở lên có xu hướng tăng ở nhiều NH, với mức tăng khoảng 2%.
Trong nhóm các NHTM có vốn nhà nước, BIDV đã điều chỉnh lãi suất tăng từ 6,8%/năm lên 7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, bằng với mức huy động kỳ hạn 36 tháng tại Vietinbank. Trong khi đó, nhu cầu huy động nguồn vốn lớn gia tăng đã đẩy lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm.
Cụ thể NCB áp dụng mức 8,8%/năm khi gửi từ 500 triệu đồng kỳ hạn 24 tháng theo chương trình tiết kiệm An Phú. Mức lãi suất 8,6%/năm cũng được áp dụng tại TPBank, VIB và VietCapitalbank, kèm với yêu cầu số tiền gửi lớn từ 500 tỷ đồng và từ 100 tỷ đồng trở lên. 
Nhiều NH khác cũng đưa lãi suất tiền gửi vượt mốc 8%/năm, như PVCombank (8,5%/năm cho tiền gửi từ 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng); VPBank (8,4%/năm khi gửi từ 5 tỷ đồng); Eximbank (8,4%/năm kỳ hạn 24 và 36 tháng); VietBank (8,3%/năm kỳ hạn 36 tháng); ABBank (8,3%/năm kỳ hạn 13 tháng và gửi từ 500 tỷ đồng); CBBank (8,2%/năm); VietABank (8,1%/năm gửi kỳ hạn 13 và 15 tháng); LienVietPostBank (8%/năm gửi từ 300 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng); Kienlongbank (8%/năm kỳ hạn từ 15, 18 và 24 tháng); Sacombank (8%/năm khi gửi từ 100 tỷ kỳ hạn 13 tháng). Trong nhóm còn lại chỉ Vietcombank và Agribank áp dụng lãi suất huy động cao nhất 6,8%/năm, các NH khác dao động 7-7,9%/năm.
Dự báo áp lực huy động của các NH sẽ tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm 2019. Bởi hiện nay tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn tối đa chỉ còn 40%. Đồng thời, NHNN dự định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về còn 30% trong 2-3 năm tới.
Theo đó, cạnh tranh huy động vốn để cân bằng tỷ lệ này rất cấp thiết đối với các NHTM trong thời điểm này. Càng cạnh tranh, lãi suất càng lên lại tác động đến nguồn tiền gửi, dẫn đến việc nhiều khách hàng thân thiết của nhà băng này sẵn sàng rút tiền đem gửi sang nhà băng khác với lãi suất cao hơn. Gần đây vàng tăng nóng trở lại cũng tạo tâm lý muốn chuyển kênh đầu tư từ người dân.
Hiện dư địa tăng NIM của nhiều NH hạn chế hơn do áp lực huy động vốn trung và dài hạn tỷ trọng cho vay bán lẻ đã ở mức cao, cạnh tranh trong mảng bán lẻ lớn. Bên cạnh đó, hệ số LDR được đẩy mạnh gần ngưỡng, ngành tài chính tiêu dùng gặp khó do cạnh tranh, cũng như NHNN siết lại hạn mức tăng trưởng.
Trong bối cảnh này, cộng với tỷ lệ tăng trưởng huy động chậm trong 6 tháng đầu năm, một số NH thừa nhận muốn giảm lãi suất huy động cũng khó. Hơn nữa, người dân mới dần quen với hình thức gửi tiền tiết kiệm với kỳ hạn dài nhờ lãi suất cao, nếu điều chỉnh giảm sẽ khó hút được vốn, nhất là vào thời điểm này đang cần vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn cuối năm. 
Diễn biến này sẽ khiến lãi suất cho vay trung dài hạn rất khó giảm như kỳ vọng, đặc biệt đối với các sản phẩm cho vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô. 

Các tin khác