Đa cấp tài chính: Cảnh báo rủi ro, siết chặt quản lý

(ĐTTCO) - Sau loạt bài “Cảnh báo đa cấp tài chính qua mạng” được đăng tải trên ĐTTC, Tòa soạn đã nhận được ý kiến đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế.
Đa cấp tài chính: Cảnh báo rủi ro, siết chặt quản lý
Đồng thời cảnh báo về những rủi ro đối với người tham gia bán hàng đa cấp hiện nay, đề xuất giải pháp quản lý và xử lý đối với các hình thức kinh doanh đa cấp bất hợp pháp.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH:

Cả hệ thống Saivian đều sai phạm

 Kinh doanh đa cấp về cơ bản là sáng kiến tốt, là cách bán hàng mới và tạo ra thu nhập cho nhiều người. Thông thường, các nhà sản xuất phải qua kênh phân phối để bán hàng, nhưng thay vì dùng các kênh phân phối, nhà sản xuất để chính người tiêu dùng trở thành người phân phối cho công ty.
Những người tham gia sẽ tự mua một số sản phẩm để bán lại cho những người khác và được hưởng hoa hồng từ nhà sản xuất và theo đó mạng lưới ngày càng mở rộng. Những người cấp dưới sẽ đóng góp cho những người cấp trên 1 khoản hoa hồng. Đây là hình thức bán hàng giảm chi phí cho việc phân phối sản phẩm. 

Thế nhưng, kinh doanh đa cấp đang ngày càng biến tướng, rời xa mục đích ban đầu, trở thành công cụ để các công ty lôi cuốn, mời gọi người tham gia bán hàng đa cấp với những lời giới thiệu hấp dẫn, như kiếm tiền không phải vất vả, sẽ sớm trở thành triệu phú, tỷ phú, được đi du lịch khắp nơi, sở hữu nhà cửa, xe cộ và mọi tiện nghi của cuộc sống.
Hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng không chỉ có tại Việt Nam, ngay cả ở Hoa Kỳ cũng rất phổ biến. Những công ty đa cấp lớn toàn cầu cũng dùng chiêu bài tương tự, vẽ ra tương lai tươi sáng để mời gọi mọi người tham gia. Cho đến nay, kinh doanh đa cấp chủ yếu mang tính lừa đảo, công ty đưa những hình ảnh đẹp đẽ để khuyến khích người khác tham gia, cuối cùng lợi nhuận không bao nhiêu nhưng số tiền người tham gia mất mát rất lớn.
Thời gian qua, tại Việt Nam cũng đã có nhiều công ty bán hàng đa cấp lừa đảo và khi có được tiền của người tham gia họ lẩn trốn và phá sản. 
Đa cấp tài chính: Cảnh báo rủi ro, siết chặt quản lý ảnh 1
Về hoạt động của Saivian như ĐTTC phản ánh, tôi thấy rằng không chỉ người tham gia mà cả công ty đó đều trong tình trạng phạm pháp, cần phải có biện pháp xử lý.  Người tham gia sử dụng hóa đơn của bất kỳ ai để tải lên ứng dụng qua mạng, bán thông tin hóa đơn cho công ty đó nhằm kiếm được lợi nhuận từ thông tin thẻ tín dụng cá nhân của người khác, tức đang phạm pháp.
Trong khi đó, các công ty bán hàng đa cấp bất hợp pháp lừa người tham gia bằng cách lúc đầu trả lợi nhuận, khi người tham gia tin tưởng sẽ đưa ra những chiêu bài mới và đến cuối cùng là “tiền mất tật mang”. 
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về lừa đảo của các công ty bán hàng đa cấp nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai vì kiếm lợi nhuận từ việc này quá dễ dàng. Chẳng hạn, chỉ cần tải thông tin lên ứng dụng, Saivian sẽ trả thưởng và chia sẻ cho người khác lại được nhận thêm những khoản lợi nhuận.
Tiếp theo, họ sẽ có những động thái khác để dẫn dụ thành viên vào những chương trình mới. Rủi ro trong kinh doanh đa cấp qua mạng rất lớn nên người dân cần cảnh giác. Còn đối với cơ quan chức năng, cần phải rà soát, cảnh báo để những người chưa hiểu biết không tham gia các công ty như vậy để tránh những hệ lụy đáng tiếc.

TS. Luật sư BÙI QUANG TÍN, Trường Đại học NH TPHCM:

Biến tướng, lừa đảo 

 Hiện nay đã có khung pháp lý, từ luật cho đến những quy định hướng dẫn, để quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Kinh doanh đa cấp được chia thành 2 loại: hợp pháp và không hợp pháp. Hình thức kinh doanh đa cấp hợp pháp đã được quản lý và ngược lại những hình thức không hợp pháp cũng đã có những xử phạt hành chính.
Hoạt động của Saivian như ĐTTC đã phản ánh, tuy hình thức mới nhưng nội dung bản chất vấn đề không mới. Song ở đây, kinh doanh đa cấp đã có sự biến tướng ở mức độ rủi ro cao hơn trước rất nhiều, vì liên quan việc sử dụng các thông tin trên thẻ tín dụng cá nhân. Cách thức hoạt động của công ty này cũng là trả thưởng, mời người sau để nhận thưởng và người trước được hưởng tiền của người sau, tương tự những công ty kinh doanh đa cấp khác. 

Bên cạnh đó, việc cung cấp hóa đơn như Saivian yêu cầu đối với người tham gia là không đúng với thông tin hoạt động kinh doanh của Saivian. Vì hóa đơn người tham gia cung cấp chỉ là phiếu thanh toán, trên đó không có thông tin để bán được như Saivian giới thiệu thu thập dữ liệu để bán thông tin như Google hay Facebook.
Vấn đề nguy hiểm là hình thức kinh doanh của Saivian không chỉ bán hàng theo hình kim tự tháp nữa, mà những người chủ của hoạt động kinh doanh này có thể biến tướng tạo ra những thẻ tín dụng giả. Hình thức kinh doanh này còn có liên quan đến vấn đề thanh toán qua hệ thống NH.
Chính vì vậy, đối với vấn đề này, không chỉ cơ quan công an mà NHNN, cơ quan thanh tra giám sát NH cũng phải nhập cuộc, thậm chí phải có sự hợp tác với các công ty thanh toán nước ngoài như Visa, Master để rà soát, ngăn chặn và xử lý.

Người dân cần chú ý những hoạt động kinh doanh đa cấp không được pháp luật công nhận. Bởi lẽ, những tranh chấp hoặc mất mát sau này của người tham gia sẽ không được bảo vệ. Điểm cần chú ý nữa là khi tham gia những công ty kinh doanh đa cấp bất hợp pháp, người tham gia có thể bị liên lụy đến trách nhiệm hình sự, không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, dân sự.
Về quản lý, đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp phát sinh một vấn đề như nhiều lĩnh vực khác, là pháp luật quản lý kinh doanh đa cấp có nhưng thực thi lỏng lẻo, thanh tra giám sát, xử phạt các hoạt động bán hàng đa cấp bất hợp pháp chưa nghiêm, nên người dân chưa sợ và vẫn còn tham gia nhiều.

PGS. TS. NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Trưởng Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM:

Sớm cảnh báo cho người dân

 Hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại cho thị trường tài chính nói riêng và cuộc sống nói chung nhiều thuận lợi, tiết kiệm được chi phí giao dịch, tạo ra những cơ chế thuận tiện thông qua môi trường thương mại điện tử trên nền tảng internet. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái.
Kinh doanh đa cấp hay rộng hơn là mô hình kinh doanh đa tầng hình kim tự tháp có từ lâu đời và khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nền tảng mạng xã hội, hoạt động đa cấp diễn ra trên mạng không phải là chuyện lạ. Hình thức kinh doanh của Saivian cũng là sản phẩm của cuộc cách mạng 4.0, nhưng là sản phẩm lỗi.
Saivian núp bóng dưới câu chuyện thu thập dữ liệu Big Data khiến mọi người tưởng mình đang tham gia dự án lớn, rất khoa học nhưng thực tế không phải vậy. Vì các công ty thu thập dữ liệu Big Data đều có những đội ngũ chuyên nghiệp, sử dụng công cụ để chạy trên tất cả webisite thu thập các thông tin, sau đó phân tích và gửi cho khách hàng. 

Qua bài viết phản ánh trên ĐTTC có thể khẳng định, hoạt động của Saivian là kinh doanh đa cấp, vì nó không tạo ra giá trị gia tăng, không tạo ra của cải, vật chất và đóng góp nào cho nền kinh tế, chỉ đơn thuần lấy tiền của người sau trả cho người trước.
Kết cục của mô hình này là sự sụp đổ của hệ thống và họ sẽ chuyển sang vùng đất mới, với phương thức kinh doanh mới để kiếm tiền, những người tham gia sẽ trả giá cho bài toán thua lỗ đó.
Do đó, người dân cần chủ động kiểm tra thông tin, tham gia các diễn đàn để tìm hiểu bản chất của các hoạt động kinh doanh này, thay vì chỉ nghe những lời ngon ngọt dụ dỗ. Các cơ quan quản lý như NHNN, Bộ Tài chính, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương)… cũng cần phải phát đi thông điệp cho người dân biết đó là hoạt động kinh doanh sai trái, người dân tham gia nếu thua lỗ, mất mát không thể kiện cáo ra pháp luật được.

Ở đây, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan truyền thông là rất quan trọng nhằm báo động, cảnh báo hoạt động kinh doanh trái phép này, đồng thời cần có những chế tài mạnh đối với những hình thức kinh doanh bất hợp pháp.

Các tin khác