Đừng kỳ vọng giảm lãi suất

(ĐTTCO)-Trao đổi với ĐTTC trong số báo trước, TS. Trương Văn Phước, thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, đã dự báo trước về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất đồng USD. Song nếu FED giảm lãi suất, nhưng so với năm 2016-2017, lãi suất đồng USD cũng đã tăng rất nhiều,  khoảng 2%. Đó cũng là điều tốt cho Việt Nam dưới góc độ điều hành chính sách tiền tệ, bởi không chịu áp lực nhiều về mất giá tiền đồng. Còn ở góc độ lãi suất, đây không phải là tác nhân ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tại Việt Nam.
Đừng kỳ vọng giảm lãi suất
Như vậy việc một số ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước, chủ yếu là các NHTM có vốn nhà nước đồng loạt giảm lãi suất không đến từ nguyên nhân FED giảm lãi suất 0,25% trong tuần qua. 
Nhìn lại trước đây, các đợt giảm lãi suất cho vay đồng loạt của các NHTM đều xuất phát từ sự khuyến khích của Chính phủ và NHNN, và cũng chỉ giảm cho các nhóm ngành ưu tiên. Lần giảm lãi suất này cũng vậy, các NH điều chỉnh giảm với điều kiện doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên và DN khởi nghiệp. Thời hạn giảm lãi suất áp dụng đến cuối năm 2019. 
Thực chất so với mặt bằng chung, nhóm DN ưu tiên nếu đã tiếp cận được vốn thì lãi suất cho vay hiện nay cũng không cao, chỉ 6%/năm cho ngắn hạn. Nay thêm ưu đãi giảm 0,5% nữa cũng không nhiều DN ưu tiên vay do thời han cũng chỉ hết năm 2019.
Hơn nữa, với nhóm DN nằm trong lĩnh vực ưu tiên thường thiếu tài sản đảm bảo để vay vốn, nên lãi suất có giảm thêm cũng không có nhiều tác động. Nói như một chủ tịch Hiệp hội DN quận, điều DN mong muốn hiện nay không phải là giảm lãi suất bao nhiêu, mà làm cách nào để tiếp cận được vốn, bởi còn có rất nhiều DN cần vốn nhưng chưa được hỗ trợ vay.
 Thanh khoản giữa các nhà băng hiện vẫn đang phân hóa mạnh, dẫn đến lãi suất huy động sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Như vậy mặt bằng lãi suất khó có thể thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn.
Trên bình diện chung, giữa tháng 7 vừa qua, NHNN cắt giảm 0,25% lãi suất tín phiếu, từ mức 3% về mức 2,75%. Động thái này đồng nghĩa với việc NHNN khuyến khích các NHTM giảm mua tín phiếu lãi suất thấp, dồn vốn cho vay. Mặc dù về lý thuyết điều này có thể làm cho lượng vốn dồi dào hơn, có tác động phần nào cho việc giảm lãi vay. 
Nhưng nên biết, điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam chủ yếu dựa trên tăng trưởng cung tiền và trần tăng trưởng tín dụng, thay vì điều hành gián tiếp qua lãi suất. Đồng thời, cơ chế lan truyền từ lãi suất liên NH ngắn hạn đến lãi suất cho vay trên thị trường cũng rất hạn chế.
Việc lãi suất liên NH ở mức thấp thể hiện thanh khoản hệ thống dư thừa, song diễn biến này không đại diện cho toàn bộ hệ thống. Bằng chứng là thanh khoản giữa các nhà băng hiện vẫn đang phân hóa mạnh, dẫn đến lãi suất huy động sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Với các diễn biến hiện tại, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam  khó có thể thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn.
Và nếu FED tiếp tục giảm lãi suất, dòng tiền đầu tư cũng sẽ không thể chuyển hướng nhanh từ Mỹ ra các nước bên ngoài, nên trước mắt vẫn chưa thể kỳ vọng vốn chảy vào Việt Nam để hỗ trợ nhu cầu vốn trên thị trường thay cho vốn NH. Trong khi đó, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của toàn ngành trong năm 2019 được dự báo ở mức khoảng 3,2%, thậm chí một số NH sẽ gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức cao, nên khó có thể kéo giảm thêm. Hiện các NHTM Việt Nam vẫn chưa dừng cuộc đua tăng lãi suất huy động, vì cần cân đối tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo yêu cầu của NHNN. 
Về vĩ mô, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Thế nhưng, việc gia tăng đều giá nhóm hàng như giáo dục, lương thực, thực phẩm (do dịch tả lợn châu Phi cùng với giá nhiên liệu biến động) bất ổn, khiến lạm phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới.
Đừng kỳ vọng giảm lãi suất ảnh 1
Đứng trước dự báo lạm phát tăng, lãi suất đầu vào cũng khó giảm thêm, bởi còn phải đảm bảo thực dương mới thu hút được người gửi tiền. Ở Việt Nam, lãi suất đầu ra lại chỉ có thể giảm được nếu lãi suất đầu vào giảm. NH huy động vốn 7-8%/năm, đương nhiên sẽ tìm khách hàng chấp nhận vay với lãi suất 11-12%/năm trở lên, thay vì đến với khách hàng ưu tiên vay lãi suất 5-6%/năm, trừ trường hợp đó là khách hàng lớn có dòng tiền ra vào NH mỗi ngày ở mức cao. 
Dự báo cho cả năm khi NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cũng sẽ khống chế M2 ở mức bằng hoặc thấp hơn, như vậy lãi suất căn bản cũng sẽ được giữ ổn định. Năm 2020, tác động mạnh mẽ hơn từ thị trường tài chính toàn cầu sẽ có những biến động nhưng cũng không đáng kể. Như vậy, lãi suất cho vay vẫn khó giảm trên mặt bằng chung. 
Trở lại với chính sách giảm lãi suất nói trên, thực ra các NH hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, nhưng thực chất Chính phủ chỉ đề ra chính sách hỗ trợ cho những ngành trọng điểm, không thể đi sâu từng chi tiết, từng loại DN, từng khách hàng, còn mỗi NH có chính sách dành cho khách hàng của mình. Chính sách của Chính phủ hướng đến quá nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực rồi dùng NH làm công cụ hỗ trợ DN, nên tác động cũng sẽ không lớn. 
 NH là người kinh doanh ngoại tệ, có trách nhiệm phải trả lại cho người gửi, không thể gánh chịu rủi ro do chính sách mang lại mà cân đối theo khả năng và phê duyệt vay theo thẩm định của họ. Chỉ khi nào chính sách của Chính phủ thực hiện bằng tiền của Chính phủ, các đối tượng ưu tiên mới có thể hưởng được chính sách ưu tiên thực sự. Do vậy, giảm lãi suất cho vay là một phong trào được các NH hưởng ứng, nhưng không phải ai cũng được hưởng nếu không đáp ứng được yêu cầu của NH.

Các tin khác