Giới chuyên gia đánh giá căng thẳng mới trong "cuộc chiến Mỹ-Trung"

(ĐTTCO) - Nhằm trả đũa mức thuế quan mới của Washington, Trung Quốc tuyên bố cho phép đồng nhân dân tệ phá ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD và yêu cầu các công ty nhà nước dừng mua các mặt hàng nông sản của Mỹ.

Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6-8, giới chuyên gia nhận định việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ là động thái mới nhất đẩy cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua giữa hai nước lên một nấc thang mới.

Chuyên gia cũng cho rằng nhiều khả năng cuộc đối đầu này trở thành cuộc chiến tranh tiền tệ sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ trượt giá xuống mức “nhạy cảm” với tỷ lệ quy đổi thấp nhất kể từ tháng 2/2018.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng mặc dù quyết định trên của Bộ Tài chính Mỹ phần lớn mang tính biểu tượng, bởi các lệnh trừng phạt tiềm tàng có thể không gây tác động mạnh mẽ như các biện pháp mà Tổng thống Trump đã làm đối với Trung Quốc, song điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang xấu đi nhanh chóng.

Xung đột thương mại giữa hai nước tiếp tục leo thang khi Tổng thống Trump hồi tuần trước tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD.

Quyết định được Tổng thống Trump đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer trở về Mỹ sau vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc tại Thượng Hải mà không đạt được tiến bộ nào.

Nhằm trả đũa mức thuế quan mới của Washington, Trung Quốc tuyên bố cho phép đồng nhân dân tệ phá ngưỡng 7 nhân dân tệ đổi 1 USD và yêu cầu các công ty nhà nước dừng mua các mặt hàng nông sản của Mỹ.

Các quan chức Mỹ cho rằng đồng nhân dân tệ suy yếu sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc, cũng như làm gia tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, để đối phó với hành động trên của Trung Quốc, Mỹ sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để loại bỏ các lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.

Nếu không có tiến triển trong một năm sau khi bị Mỹ "gắn mác" là quốc gia thao túng tiền tệ, Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc các công ty của Trung Quốc bị cấm tham gia cạnh tranh các hợp đồng của Chính phủ Mỹ và nhận tài trợ từ một cơ quan Chính phủ Mỹ cho các dự án phát triển.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới các nước trên thế giới và có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng đình trệ trong vòng 3 quý tới.

Theo ông David Kotok, đồng sáng lập của tập đoàn đầu tư Cumberland Advisors, cuộc chiến thương mại này đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành NWI có trụ sở tại New York, Hari Hariharan, nhận định nếu tình trạng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng, chứng khoán Mỹ có thể giảm thêm 8%, đồng thời khẳng định mọi thứ sẽ bị tác động mạnh và nếu Mỹ càng ra tay, Trung Quốc sẽ càng có biện pháp đáp trả.

Ông Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết tình hình có lẽ sẽ không thể xấu hơn và khả năng về sự thỏa hiêp giữa hai bên đã không còn.

Theo ông, hai bên đang đào sâu ngăn cách và vấn đề chính trị có lẽ đang chi phối cuộc chiến thương mại này.

Các tin khác