Hướng tới cho vay công nghệ

(ĐTTCO) - Việc quản lý cấp tín dụng và cho vay thông qua ứng dụng công nghệ đang được nhiều NH triển khai. Tuy nhiên, do đặc thù riêng, sản phẩm cho vay online mới áp dụng cho khách hàng có tài sản đảm bảo bằng sổ tiết kiệm tại NH, trong khi các công ty công nghệ tài chính (fintech) và công ty tài chính đã triển khai cho vay tín chấp trực tuyến khá lâu. 
Vì vậy, các NH hứa hẹn sớm triển khai cho vay thông qua công nghệ, thay vì cho vay truyền thống như hiện nay.
Công nghệ hóa cấp tín dụng
Sacombank vừa chính thức triển khai hệ thống khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) sau hơn 1 năm đầu tư xây dựng. Theo đó, hệ thống LOS của NH sẽ quản lý tập trung và chuẩn hóa toàn bộ hồ sơ theo khách hàng, chuẩn hóa toàn bộ dữ liệu, tăng tính năng bảo mật an toàn, từ đó nâng cao năng lực quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
 Hiện nay nhiều NH trên thế giới đang thực hiện khẩu hiệu 3-1-0. Cụ thể, 3 phút cung cấp dịch vụ online với trải nghiệm tốt để khách hàng có thể tiếp cận món vay và đăng ký; 1 là 1 giây hệ thống sẽ trả lời có tiếp nhận món vay hay không; và 0 là không có con người tham gia quá trình xử lý khoản vay. Đây là mô hình hoàn chỉnh của NH số.
Ông PHẠM TIẾN DŨNG, 
Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN
Các tờ trình, biểu mẫu được hệ thống xuất tự động và luân chuyển hồ sơ qua từng cấp phê duyệt theo đúng thẩm quyền. Công tác giao nhận hồ sơ được tự động hóa hướng đến mục tiêu giảm chứng từ giấy. Ngoài ra, bằng việc liên kết các hệ thống khác của Sacombank, LOS cho phép người dùng tra cứu thông tin lịch sử giao dịch của khách hàng (mức cấp, dư nợ, doanh số của tiền vay và các giao dịch tiền gửi thanh toán) dễ dàng và nhanh chóng.
Các thông tin được nhập liệu chi tiết làm nền tảng tái sử dụng nhiều lần, từ đó giúp công tác xử lý hồ sơ ở giai đoạn triển khai phán quyết và ở các trình phê duyệt lần sau nhanh chóng hơn. Đầu năm ngoái, Maritime Bank (MSB) cũng đã hợp đồng mua sắm và triển khai hệ thống LOS để dễ dàng tra cứu thông tin của khách hàng, tư vấn và trả lời trực tiếp nhanh chóng, chính xác về các khoản vay cũng như lộ trình thực hiện khi khách hàng có nhu cầu.
Có thể nói, sau cuộc đua số hóa thanh toán, giờ đây số hóa dịch vụ tín dụng như Sacombank và MSB đã triển khai, là mục tiêu các NHTM đang hướng tới. Cụ thể, MB cung cấp kênh vay vốn thấu chi không cần giấy tờ, hồ sơ, biểu mẫu, không cần đến NH, 100% thao tác trên ứng dụng và có thể nhận được khoản vay sau 3 phút để khách hàng vay vốn nhanh hơn.
Với mục tiêu đó, NH dự kiến áp dụng cho vay thấu chi trên ứng dụng NH điện tử qua số dư tài khoản bình quân, lương hay hợp đồng bảo hiểm trong thời gian tới. LienVietPostBank cũng tung ra sản phẩm tiết kiệm online và cho vay cầm cố sổ tiết kiệm online trên Ví Việt. Khi cần gửi tiết kiệm, người dùng chỉ cần mở ứng dụng Ví Việt, lựa chọn kỳ hạn phù hợp, số tiền cần gửi, hình thức tái tục... để gửi tiền.
Khi cần tiền chi tiêu nhưng tiền gửi chưa đáo hạn, chỉ cần sử dụng chức năng vay cầm cố tiền gửi tiết kiệm. NH sẽ cấp cho khách hàng hạn mức vay lên đến 98% số tiền gửi tiết kiệm bất cứ khi nào có nhu cầu,  thời hạn vay bằng với thời hạn đáo hạn của khoản tiết kiệm cầm cố, lãi suất vay chỉ cao hơn 1% lãi suất kỳ hạn khách đã gửi tiết kiệm.
Hướng tới cho vay công nghệ ảnh 1 Ảnh minh họa. 
Cần đầu tư nhiều hơn
Trong một hội thảo diễn ra vào cuối năm ngoái, nhiều ý kiến đã khuyến khích các NHTM tại Việt Nam sớm áp dụng mô hình NH số, hoặc chuyển đổi công nghệ tương tự để tiết giảm chi phí hoạt động. Một chuyên gia tài chính cho biết, thực tế hiện nay hình thức cấp tín dụng tiện lợi như vậy đang được các công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Theo đó, chỉ cần trung gian là công ty cung cấp nền tảng công nghệ môi giới kết nối bên có nhu cầu vay và bên muốn cho vay. Hình thức này chi phí hoạt động thấp nhưng cung cầu rất cao, mỗi ngày 1 ứng dụng có đến 2.000 đơn xin vay. Trong hoạt động, hình thức P2P Lending có nhiều biến tướng xấu và NHNN đang tìm cách quản lý. Nhưng nếu xét về góc công nghệ, đó là hình thức cho vay hiện đại và nhiều lợi ích cho khách hàng. 
Ở khu vực chính thức, Home Credit đã sớm triển khai dịch vụ thẩm định hồ sơ vay tính bằng phút nhờ vào hệ thống Big Data, giảm thiếu tối đa thông tin khách hàng cần phải điền khi ký hợp đồng thứ 2 trở đi.
Trong khi đó, FE Credit đã thành công với nền tảng cho vay kỹ thuật số $NAP, mang đến quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín, không cần đến sự can thiệp của con người, giúp rút ngắn toàn bộ quá trình vay chỉ còn 10-15 phút, khách hàng được giải ngân trong vòng vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, đối với NH, để triển khai hình thức này cần có sự đầu tư khá lớn để đảm bảo quản trị được rủi ro và an toàn bảo mật, vì hoạt động của hệ thống NH có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính nói chung.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do đặc thù riêng, nhưng với sự xuất hiện của hàng loạt dịch vụ cho vay theo hướng công nghệ hóa, cho thấy các NH đang rất quan tâm hình thức này, kể cả các NHTM có vốn nhà nước.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, chia sẻ năm 2018 NH đạt lợi nhuận hơn 18.000 tỷ đồng, năm nay chắc chắn mục tiêu lợi nhuận sẽ cao hơn. Tuy nhiên, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn ngành 14%, nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Vietcombank cũng ở mức 14%, thấp hơn năm 2018 là 1%. Đối với NH đây là doanh số rất lớn, nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh doanh cao hơn trong năm 2019, Vietcombank tiếp tục thực hiện các định hướng đạt được trong năm ngoái, cùng với đẩy mạnh NH số để gia tăng hoạt động. 
Hiện nay, Vietcombank có khoảng 16.000 người, 534 điểm giao dịch và chi nhánh, ít hơn so với các NH như Agribank, BIDV và Vietinbank. Do đó, mục tiêu đẩy mạnh NH số sẽ giúp NH phát triển thuận lợi hơn và theo kịp xu hướng quốc tế trong việc tăng trưởng số lượng khách sử dụng dịch vụ cũng như hoạt động tín dụng của NH.
Năm 2018, Vietcombank đã chuyển dịch được 34% tín dụng sang bán lẻ nên sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng này vì tiềm năng còn rất lớn, giúp gia tăng hiệu quả dòng vốn kinh doanh và quản trị rủi ro tốt hơn. Chẳng hạn nếu 1 khoản bán buôn chuyển nợ xấu phải trích lập dự phòng, lợi nhuận NH sẽ giảm đi rất lớn. Nhưng bán lẻ vừa có tài sản đảm bảo, có số dư nợ thấp và việc thu nợ cũng dễ hơn. Và để tăng hiệu quả trong bán lẻ, Vietcombank cũng sẽ gia tăng cho vay thông qua công nghệ.
Tuy nhiên, muốn thực hiện cần có rất nhiều chính sách để quản lý việc sử dụng công nghệ thông tin trong việc quản trị. Hiện NH đang triển khai các dự án để quản trị rủi ro để áp dụng trong năm nay.

Các tin khác