Hướng tới giao dịch thẻ an toàn

(ĐTTCO) - NHNN vừa ban hành Thông tư 41/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016 quy định về hoạt động thẻ NH ấn định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Hiện các NH đang lên kế hoạch chuyển đổi cho hàng triệu thẻ ATM nội địa. Đáng chú ý, trên nền tảng chuẩn thẻ mới, một số NH đã triển khai những công nghệ thanh toán mới nhằm đảm bảo độ bảo mật cao nhất.
Ấn định thời hạn chuyển đổi
Thông tư 41/2018 bổ sung quy định tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Đây là bộ tiêu chuẩn cơ sở của NHNN về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc tại Việt Nam. Đồng thời, NHNN quy định về thời hạn chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đối với hệ thống NH Việt Nam.
Cụ thể đối với các tổ chức thanh toán thẻ, đến cuối năm 2019 ít nhất 35% ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, và phải đạt đến tỷ lệ 100% vào cuối năm 2020.
Đối với các tổ chức phát hành thẻ, đến cuối năm 2019 ít nhất 30% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, tỷ lệ này đạt ít nhất 60% vào cuối năm 2020 và hoàn thành 100% vào cuối năm 2021.
Theo Công ty công nghệ GoBear, thẻ từ áp dụng công nghệ bảo mật bằng từ tính và lưu trữ thông tin trên dải băng từ ở mặt sau thẻ. Các thông tin này chỉ được mã hóa 1 lần và khi quẹt thẻ qua máy thanh toán, thông tin được giải mã. Các thiết bị đọc ghi thẻ có thể thay đổi nội dung dữ liệu trên thẻ. Vì vậy, khi đã xâm nhập được cơ sở dữ liệu của thiết bị đọc thẻ như skimmer, kẻ gian hoàn toàn có thể đánh cắp thông tin trên thẻ từ.
Còn thẻ chip áp dụng công nghệ gắn chip điện tử với bộ vi xử lý giống như máy tính thu nhỏ và hoàn toàn độc lập, các thông tin quan trọng đều được mã hóa.

NH sẵn sàng kế hoạch
Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến ngày 30-9-2018, cả nước có 18.170 máy ATM, 294.500 máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Số lượng thẻ tăng trưởng mạnh đến nay đạt khoảng 101 triệu thẻ. Trong đó, thẻ ATM nội địa chiếm đa số và phần lớn là thẻ từ.
Do đó, kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip để thực hiện đúng thời hạn NHNN đặt ra đang là vấn đề được quan tâm. Hiện Vietcombank dẫn đầu trong hoạt động thẻ trong nhiều năm, số lượng thẻ ATM nội địa của NH này vào khoảng 14 triệu thẻ. Ông Thomas William Tobin, Giám đốc khối bán lẻ Vietcombank, cho biết chuẩn thẻ chip đã triển khai từ rất lâu đối với thẻ quốc tế. Với thẻ nội địa, Vietcombank có kế hoạch chuyển đổi cuốn chiếu với tham vọng chuyển đổi toàn bộ thẻ nội địa sang thẻ chip trong thời gian ngắn nhất. 
Hướng tới giao dịch thẻ an toàn ảnh 1 Ảnh minh họa.
Liên quan đến việc chuyển đổi, các NHTM đều ủng hộ, nhưng một số ý kiến nhận định có thể gặp rào cản do chi phí phát hành thẻ chip cao hơn thẻ từ, khoảng 70.000 đồng/thẻ. Như vậy, để thay thế hàng chục triệu thẻ có thể tốn chi phí hàng trăm tỷ đồng. Nếu NH gánh chịu chi phí này sẽ quá áp lực, còn nếu yêu cầu khách hàng phải chia sẻ có thể vấp phải sự phản đối.
Song ông Phạm Đức Duy, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm thẻ của Sacombank, chia sẻ dù chi phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip cao hơn nhưng người dân cũng bắt đầu ý thức được thẻ từ bảo mật không cao dẫn đến mất tiền, mất thông tin từ thẻ sẽ khiến họ lo lắng nhiều hơn. Hiện Sacombank đã có lộ trình sẵn. NH đã đầu tư công nghệ để đọc các thẻ chip nên việc chuyển đổi sẽ không có khó khăn. Hơn nữa, hầu hết thẻ mới phát hành đều là thẻ chip, chỉ còn lại các khách hàng cũ sử dụng thẻ từ. Sacombank cũng đã lên kế hoạch chuyển đổi dần đối với nhóm khách hàng này. 
Còn tại ACB, ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng giám đốc, cho biết NH sẽ chuyển đổi theo lộ trình, chi phí sẽ phân bổ theo từng giai đoạn nên không ảnh hưởng đến hoạt động. Hơn nữa, đối với các NH tập trung phát triển dịch vụ, chi phí về thẻ chip cũng không phải gánh nặng quá lớn, vì khách hàng chuyển đổi thẻ có độ bảo mật cao sẽ tăng niềm tin của khách hàng đối với việc sử dụng thẻ trong giao dịch, nhất là sau những sự việc liên quan đến mất mát tiền gần đây. ACB hiện có khoảng 2 triệu thẻ, kế hoạch của NH sẽ chuyển đổi theo nhu cầu của khách hàng. ACB kỳ vọng sẽ có khoảng 30% khách hàng sẽ chuyển đổi ngay trong năm 2019.

Hướng tới thanh toán không tiếp xúc
Ngoài việc tăng niềm tin cho người dùng, qua trao đổi gần đây, các NHTM cũng cho biết sẽ cố gắng đẩy mạnh chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip trong thời gian ngắn nhất, vì chuẩn thẻ mới tạo điều kiện áp dụng những phương tiện thanh toán hiện đại hơn. Ưu điểm của thẻ không tiếp xúc có bảo mật rất cao, hạn chế tối đa nguy cơ bị tội phạm công nghệ tấn công, hạn chế làm thẻ giả khi không phải xuất trình thẻ cho người bán hàng, không bị lộ thông tin in trên thẻ, không bị lộ số PIN…
Thực tế nhiều NH cũng đã mạnh dạn tiên phong triển khai dòng sản phẩm này. Vào giữa tháng 12-2018, ABBank ra mắt thẻ ABBank Visa Contactless kết hợp giữa dòng thẻ thanh toán quốc tế và công nghệ không tiếp xúc. Khi thanh toán, chỉ cần đặt gần, lướt hoặc vẫy nhẹ thẻ lên máy POS để thanh toán, không cần quẹt như cách truyền thống.
Ngay sau đó, Vietcombank cũng cho ra mắt sản phẩm thẻ đầu tiên ứng dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc theo chuẩn quốc tế (EMV contactless). Song do công nghệ mới cần hệ thống POS đáp ứng, nên bước đầu các NH đều thiết kế dòng thẻ này tích hợp cả chip tiếp xúc và chip không tiếp xúc để chủ thẻ có thể thanh toán bằng cả 2 phương thức quẹt và không quẹt thẻ.
Theo ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank, trong tương lai, thẻ chip không tiếp xúc sẽ trở thành xu hướng mới trong thanh toán tại Việt Nam. Thẻ không tiếp có cấu tạo khác với thẻ tiếp xúc ở chỗ chip quản lý không nằm lộ trên mặt thẻ mà ẩn bên trong, bằng mắt thường không thể nhìn thấy được. Ngoài chip, thẻ không tiếp xúc còn được nhúng thêm một chiếc ăng-ten và được quản lý bằng công nghệ RFID (xác nhận dựa vào tần số vô tuyến).
Công nghệ này giúp tạo ra một trường quét điện từ (thường trong vòng 10cm), người dùng chỉ cần đặt thẻ vào trường quét này bên cạnh thiết bị đọc. Hiện ABBank đang là 1 trong 6 NH hoàn thành việc phát hành và thử nghiệm thành công thẻ chip nội địa - VCCS (tiếp xúc và không tiếp xúc), bao gồm hoàn thành hạ tầng phát hành và chấp nhận thẻ chip nội địa tại Việt Nam.
 Quy trình giao dịch bằng thẻ chip phải trải qua 8 bước với độ bảo mật rất cao và thường được các NH sử dụng để phát hành thẻ tín dụng. Như vậy, với quy định tại Thông tư 41/2018, sắp tới toàn bộ thẻ từ đã được phát hành sẽ được chuyển đổi sang công nghệ mới, việc thanh toán thẻ trong tương lai sẽ an toàn hơn.

Các tin khác