Khung pháp lý cho ngân hàng số?

(ĐTTCO) - Ngân hàng (NH) số là hình thức số hóa mọi hoạt động và dịch vụ NH truyền thống. Theo đó, những gì khách hàng thực hiện ở các chi nhánh NH truyền thống được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng NH số duy nhất.
Khung pháp lý cho ngân hàng số?
Thông qua ứng dụng NH số, khách hàng không cần đến chi nhánh NH vẫn có thể thực hiện được tất cả giao dịch, đồng thời các hoạt động của NH như quản lý rủi ro, nguồn vốn, phát triển sản phẩm, marketing, quản lý bán hàng... cũng được số hóa. 
Hiện nay đa phần các NH chỉ được sử dụng Online Banking/E-banking, là hệ thống dịch vụ NH điện tử (bao gồm các dịch vụ con như Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking), được tạo ra để bổ sung cho các dịch vụ trên nền tảng NH truyền thống.
Trong khi với  NH số có ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc hệ thống của 1 NH, từ cơ cấu tổ chức, quy trình làm việc, sản phẩm dịch vụ, vấn đề pháp lý, chứng từ, đến phương thức giao dịch với khách hàng. Và đến nay đa phần NH số tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng, trong khi khung pháp lý để vận hành chưa có.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cho rằng NH số tại Việt Nam vẫn rất chậm chạp so với xu thế chung. Sự chậm chạp một phần do yếu tố chủ quan từ các nhà băng khi chuyển đổi từ dịch vụ của NH lõi sang NH số, do thiếu nguồn lực về vốn hoặc đã triển khai nhưng mang tính hình thức và chưa đem đến hiệu quả tương xứng.
Thực tế cũng cho thấy, hiện phần lớn hệ thống core-banking của các NH đã lạc hậu, không đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên dữ liệu lớn (Big-data), hoặc có chuyển đổi nhưng không mua hết các tính năng của core-banking hiện đại. Về tích hợp dữ liệu trên core, đa phần NH chưa triển khai điện toán đám mây do đặc trưng dữ liệu nhạy cảm, hệ thống dữ liệu phức tạp và chưa đồng bộ.
Về khách quan, NH số ở Việt Nam đang thiếu hành lang pháp lý để hoạt động đúng với chức năng của mình. Năm 2017, Ban chỉ đạo fintech (công nghệ tài chính) của NHNN được thành lập và  hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực fintech.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý hiện vẫn đang xem xét việc có nên cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) truy cập hệ thống dữ liệu căn cước công dân, hoặc hệ thống dữ liệu về thông tin liên quan đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, để định danh khách hàng dựa trên mã số định danh do khách hàng cung cấp hay không. Đây là những lực cản khiến NH số chậm phát triển trong thời gian qua.
Nói như PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, thách thức số đòi hỏi Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý để phục vụ hoạt động kinh doanh NH số. Hiện nay còn nhiều vướng mắc như cân nhắc mở rộng chủ thể tham gia hoạt động NH theo hướng cho phép thực hiện fintech của các tổ chức không phải là TCTD.
Hay việc xây dựng hành lang pháp lý cho các hình thức của hợp đồng thông minh trong NH số như thế nào, vẫn chưa có quy định rõ ràng trong luật. Theo luật hiện hành, địa điểm khi giao kết hợp đồng (truyền thống) phải được xác định, nhưng với hợp đồng thông minh trong các giao kết của NH số, yếu tố địa điểm này lại không phù hợp, nhưng chưa có quy định mang tính ràng buộc của pháp luật, dẫn đến khó giải quyết khi có các rủi ro hay tranh chấp xảy ra.
Và khi việc triển khai NH số mới ở giai đoạn đầu, các NHTM phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty công nghệ trong các dịch vụ tài chính, thanh toán đã thâm nhập thị trường Việt Nam, như Samsung Pay, Amazon, Alibaba và JD.com.  

Các tin khác