Kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP

(ĐTTCO) - Ngày 26-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) sơ kết “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020”.
 Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, các chỉ tiêu tổng hợp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế của Việt Nam đạt mức nhóm nước trung bình cao trên thế giới.
Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65%-70% GDP. Chỉ số phát triển con người các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam cao hơn mức trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người ven biển cao hơn 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân cả nước. 
Kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP ảnh 1  
Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết, đến hết năm 2018, Việt Nam đã thành lập hải đồ tỷ lệ 1/200.000 với khoảng 53% diện tích các vùng biển Việt Nam; hoàn thành điều tra địa hình đáy biển khoảng 24,5% diện tích vùng biển Việt Nam ở các tỷ lệ từ 1/500.000 đến 1/50.000; cơ bản làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên biển.
Thời gian tới, chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đặt mục tiêu đạt 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ 1/500.000 và điều tra ở tỷ lệ lớn một số khu vực trọng điểm; thành lập được bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm và sức chịu tải của hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường biển (ở tỷ lệ tối thiểu 1/500.000) khu vực biển ven bờ đến độ sâu 100m nước.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước và năng lực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống dự báo, cảnh báo, môi trường, phòng chống thiên tai đồng bộ, hiệu quả; thành lập đội tàu nghiên cứu biển với các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á; thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển và hải đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật… 

Các tin khác