Lãi suất châu Âu xuống đáy, Việt Nam đối phó ra sao?

(ĐTTCO)-Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa thông qua một loạt chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế đang trì trệ của lục địa già. Trước tiên, ECB hạ lãi suất tiền gửi các ngân hàng thương mại gửi ở ngân hàng này xuống mức thấp kỷ lục mới, từ -0,4% xuống -0,5%. Bên cạnh đó, họ khởi động lại chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ EUR/tháng bắt đầu từ 1-11, và không xác định thời hạn khi nào sẽ kết thúc.
Lãi suất châu Âu xuống đáy, Việt Nam đối phó ra sao?
Tuy nhiên, giới quan sát gọi một cách mỉa mai là nới lỏng tiền tệ mãi mãi. Bởi lẽ kèm theo đó ECB cũng nỗ lực nới lỏng điều kiện cho vay dài hạn các ngân hàng, đồng thời tiến hành nhiều biện pháp kỹ thuật khác để cố gắng hạ mặt bằng lãi suất của nền kinh tế châu lục, vốn đang ở mức rất thấp.

Bơm tiền liệu còn hiệu quả?
Các chính sách của ECB đều hướng đến mục tiêu buộc dòng tiền trong nền kinh tế rời khỏi các tài sản an toàn như trái phiếu và tiền gửi tiết kiệm, để hướng đến những tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.
Tuy nhiên, liệu giải pháp này có hiệu quả hay không khi lãi suất của châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục? Quan trọng hơn, khi người dân châu Âu có nhiều tiền hơn, có vẻ như họ lại đang giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm, ngược lại với mong muốn của ECB.
Nhiều giám đốc quỹ đầu tư khi trả lời phỏng vấn ngay sau động thái trên của ECB đều tỏ ra thận trọng, thậm chí bi quan, khi cho rằng các biện pháp này rất khó kéo châu Âu ra khỏi tình trạng tăng trưởng và lạm phát thấp hiện tại.
Một số nhà phân tích nhận định ECB đang ở vào tình huống rất khó, khi không có nhiều lựa chọn ngoài việc tiếp tục thực hiện nới lỏng tiền tệ. Bởi nếu không tiếp tục nới lỏng tiền tệ, thị trường sẽ bán tháo tài sản. Nhưng nới lỏng tiền tệ cũng chẳng giúp ích được cho nền kinh tế thực. Điều này dẫn đến nhiều bất đồng trong nội bộ ECB. 
Theo Bloomberg, các đại diện của Pháp, Đức, Hà Lan, và Áo (chiếm hơn phân nửa GDP của nhóm sử dụng đồng EUR) đều phản đối quyết định này của Chủ tịch ECB Mario Draghi.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Robert Holzmann, Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) Áo, đã úp mở rằng chính sách này có thể phải sớm thay đổi (hàm ý rằng việc nới lỏng tiền tệ bằng cách mua trái phiếu không thể kéo dài cả thập niên như một số người mong đợi). Như vậy, sự bất đồng trong nội bộ là do hiệu quả của nới lỏng tiền tệ không được như mong đợi. 
Cách đây hơn 1 tháng, đại diện của ING, một ngân hàng lớn của châu Âu, phản ánh rằng trong bối cảnh lãi suất âm, người tiêu dùng cảm thấy bất an và đã tiết kiệm nhiều hơn là tiêu dùng, ngược lại với những gì ECB mong muốn.
Ngân hàng đầu tư UBS và Credit Suisse gần đây công bố thông tin, cho thấy khách hàng của họ đang giữ trên 25% tài sản dưới dạng tiền mặt (26% với UBS và 29% với Credit Suisse), trong khi lãi suất ở Thụy Sĩ đã âm từ lâu.
Điều này cho thấy khi lãi suất âm, trái ngược với mong muốn của NHTW, những người có nhiều tiền không chọn cách đổ tiền vào tài sản có lợi suất cao hơn nhưng rủi ro hơn như cổ phiếu, mà họ “chôn tiền” vào két sắt của ngân hàng dưới dạng tiền mặt. 

Sự biến mất của tài sản trú ẩn an toàn
 Cắt lãi suất liên tục cho thấy chính sách tiền tệ của ECB đang chạm đến điểm giới hạn về hiệu quả của nó. Việt Nam tuy khác EU, nhưng sự thật cũng đang chạm vào điểm chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để xoay sở.
Điều các NHTW làm đang khiến nhà đầu tư không thật sự còn nhiều lựa chọn cho các tài sản trú ẩn an toàn. Nhiều nhà đầu tư muốn tiết kiệm tiền ở châu Âu hiện tại cũng đang ở trong tâm trạng này. 
Thí dụ, nếu mua trái phiếu an toàn như trái phiếu chính phủ Đức và giữ đến khi đáo hạn, chắc chắn họ mất tiền (lợi suất âm). Chọn giữ tiền mặt trong bối cảnh lạm phát thấp cũng không phải quá tệ, nhưng các ngân hàng sớm hay muộn phải tính phí giữ tiền mặt. Bởi hiện nay lượng tiền mặt trong các ngân hàng khá lớn, trong khi họ lại phải trả tiền cho ECB để gửi tiền tại đó. Điều này buộc các ngân hàng phải chuyển khoản chi phí ECB áp lên họ cho khách hàng, hoặc chịu lỗ. 
Dù vậy, muốn những người gửi tiền tiết kiệm cho mục đích nghỉ hưu đổi qua mua cổ phiếu, hay lấy tiền ra chi tiêu là điều không đơn giản. Nhiều nhà đầu tư bảo thủ sẽ chẳng muốn làm như vậy. Tương tự là với các công ty bảo hiểm và quỹ quản lý tiết kiệm có xu thế phòng thủ. 
Hiện một lượng nhỏ nhà đầu tư chấp nhận rủi ro khi chạy vòng quanh để tìm kiếm lợi nhuận cao. Trên tổng thể nền kinh tế, người ta vẫn cần các tài sản trú ẩn an toàn có lợi suất đủ cao để họ cảm thấy an tâm. Khi người dân không an tâm, họ tiết kiệm không chi tiêu. Đó là vấn đề ECB gặp phải. Cắt lãi suất, làm biến mất các tài sản trú ẩn an toàn là cuộc đua mà ai cũng sẽ thua. Nói cách khác, chính sách tiền tệ của ECB đang chạm đến điểm giới hạn về hiệu quả của nó. 
Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Mario Draghi kêu gọi các chính phủ châu Âu dùng đến chính sách tài khóa để kích thích kinh tế. Đó là vì chính sách tiền tệ ở châu Âu đã chạm vào ngưỡng không thể kích thích nền kinh tế thêm nhiều nữa.

Giải pháp NHNN
Việt Nam khác với châu Âu ở chỗ nền kinh tế vẫn tăng trưởng khả quan, lạm phát không thấp và có dấu hiệu chực chờ nhảy lên. Giải pháp giảm lãi suất chính sách mới đây của NHNN vẫn còn dư địa để phát huy tác dụng. Mặc dù vậy, thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng trong điều kiện hiện tại không dễ dàng. Bởi lẽ lạm phát không thấp và nhu cầu vốn trung, dài hạn sẽ khiến lãi suất huy động của ngân hàng khó giảm mạnh. Như vậy lãi suất cho vay cũng không thể giảm nhiều. 
Những chính sách này nhìn chung chỉ có thể giúp tăng thanh khoản tiền đồng (vốn đang căng thẳng), kiềm hãm áp lực tăng giá của VNĐ so với USD, hơn là sẽ tạo lan tỏa đến chi tiêu trong nền kinh tế hay giảm lãi suất cho vay một cách thực chất. 
Vì vậy, bề ngoài tình huống của Việt Nam tuy khác EU, nhưng sự thật cũng đang chạm vào điểm chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để xoay sở. Sớm hay muộn, người ta sẽ phải kêu gọi gia tăng chi tiêu công hoặc giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Thiếu cơ sở hạ tầng hoàn thiện, thiếu điện, thiếu đầu tư vào vốn nhân lực, là những điểm nghẽn hiện nay của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nút thắt với chi tiêu công lại nằm ở chỗ nguy cơ chi tiêu lãng phí và tham nhũng. 
Có thể nói, điểm khó nhất của Việt Nam hiện tại là làm sao có thể đẩy nhanh đầu tư của Nhà nước vào giáo dục, hạ tầng, y tế mà không sợ thất thoát, lãng phí. Chính sách tiền tệ chỉ có thể là thuốc bổ bơm vào để giữ cho nền kinh tế không yếu đi quá nhanh. Có thêm tiền nhưng không có chỗ đầu tư hiệu quả, chỉ chạy loanh quanh vào những bong bóng tài sản đang nóng. 

Các tin khác