Lúng túng giải quyết tranh chấp trực tuyến

(ĐTTCO) - Để phát triển nền kinh tế số, Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia sử dụng hợp đồng điện tử (HĐĐT) cho các giao dịch. Nhưng để làm được việc này, cần giải quyết các vấn đề pháp lý trọng yếu về xác thực người dùng, xác thực giao dịch, đảm bảo vấn đề bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân và giải quyết tranh chấp thương mại điện tử (TMĐT) trực tuyến. 

Các loại HĐĐT và giao dịch TMĐT
Có thể nói công nghệ là đặc điểm chủ yếu của HĐĐT. Đó là những phương tiện hoạt động trên công nghệ điện tử kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn, không dây, quang học - những thành phần quan trọng cũng như là điều kiện tiên quyết trong giao dịch TMĐT.
Thông qua việc xem xét quan hệ giao dịch thương mại giữa các chủ thể, người ta chia HĐĐT thành 5 loại: hợp đồng giao kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp (C2B); giữa các cá nhân với nhau (C2C); giữa cơ quan nhà nước và các cơ quan hành chính khác với doanh nghiệp hoặc người dân (A/G2A/G). Các phương thức giao kết HĐĐT trên môi trường internet gồm email, website, hệ thống phần mềm tương tác và ứng dụng điện thoại di động thông minh.
Trong giao dịch TMĐT, hầu hết các bên trong hợp đồng không trực tiếp gặp nhau, mà sử dụng các phương tiện liên lạc trên internet để giao tiếp và ký kết hợp đồng. Do đó, nếu việc xác nhận giao dịch giữa các bên chỉ được thực hiện thông qua tài khoản và mật khẩu, qua email sẽ không đảm bảo tính định danh xác thực người tham gia HĐĐT, thậm chí sẽ là môi trường cho tội phạm hoạt động.
Vì thế, việc xác thực giao dịch rất quan trọng để đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng, ngăn chặn các hành vi lừa đảo của tội phạm trên internet, cũng như hướng đến xây dựng chính phủ số và nền kinh tế công nghệ. 
Để quản lý xác thực người dùng trong HĐĐT, thường có các cách thức như xác thực bằng số điện thoại, sử dụng chữ ký số; xác thực người sử dụng qua mã xác thực OTP, số hóa dữ liệu quốc tế (D-U-N-S); xác thực thực hiện bởi các đơn vị trung gian thanh toán và xác thực sinh trắc học.
Tranh chấp bất khả thi do thiếu luật
Theo thống kê tại Emarketer.com, mỗi ngày có khoảng 120 triệu giao dịch TMĐT, trong đó 2-5% giao dịch phát sinh tranh chấp. Cụ thể, năm 2016 có khoảng 820 triệu vụ tranh chấp TMĐT, năm 2017 gần 943 triệu vụ. Với số lượng vụ việc tranh chấp này, các phương pháp giải quyết tranh chấp trực tiếp tại tòa án trở nên bất khả thi. Một trong những trở ngại là Chính phủ và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và đầu tư vào giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR). 
 TMĐT ngày càng phổ biến và trở thành kênh giao dịch được người dân sử dụng nhiều, song việc giải quyết tranh chấp trực tuyến lại khá mới mẻ, lúng túng vì thiếu khung pháp lý.
Hiện nay trên thế giới đã xuất hiện nhiều phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến. Phổ biến nhất là tòa án trực tuyến hay được gọi là tòa án ảo hoặc tòa án trên mạng, bao gồm các thủ tục tương tự như ở tòa án truyền thống.
Tại nhiều nước như Mỹ, Australia, Canada, Singapore, luật pháp cho phép các bên giải quyết vụ việc tranh chấp thông qua việc thực hiện thủ tục khởi kiện và tố tụng qua internet. So với tòa án truyền thống, thủ tục tòa án trực tuyến linh hoạt hơn, được thực hiện nhanh chóng nhờ áp dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, hòa giải và trọng tài trực tuyến cũng được sử dụng khá phổ biến. 
Một thí dụ về hòa giải trực tuyến là Internet Neutral, cho phép các bên tùy chọn trực tuyến, bao gồm email, tin nhắn tức thời, phòng trò chuyện và hội nghị trực tuyến. Internet Neutral sử dụng phần mềm hội nghị trực tuyến cho phép các hòa giải viên giao tiếp với các bên qua một kênh được chỉ định và truy cập bảo mật bằng mật khẩu.
Hoặc có thể trọng tài trực tuyến tái tạo lại mô hình trọng tài truyền thống trong môi trường không gian mạng. Quá trình thông tin liên lạc, xem xét và quyết định của hội đồng trọng tài trực tuyến giống với trọng tài truyền thống, chỉ khác là nó dựa trên công nghệ thông tin. 
Lúng túng giải quyết tranh chấp trực tuyến ảnh 1 Ảnh minh họa.
Cần có nghị định riêng
Yếu tố đầu tiên là Chính phủ cần xây dựng hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân. Việc hoàn thiện xây dựng hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân sẽ giúp giảm chi phí giao dịch, tăng cường tính hiệu quả và thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới trong tiến trình cung cấp dịch vụ công.
Để thực hiện việc này, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiến tới cấp căn cước điện tử quốc gia kèm theo chữ ký điện tử cá nhân cho công dân. Trước mắt, cần thực hiện xác thực định danh công dân thông qua việc sử dụng các mã số điện tử đã cấp như các mã số bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế và doanh nghiệp.
Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3 -2019 của Chính phủ, về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, đã xác định nhiệm vụ xây dựng nghị định về định danh và xác thực điện tử cho công dân, tổ chức các văn bản hướng dẫn hoàn thành trong tháng 9 tới.
Nghị định này sau khi được hoàn thành và thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp, sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần bảo đảm sự tin cậy an ninh an toàn thông tin trong giao dịch điện tử; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công quốc gia có dịch vụ công hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ và tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số thông qua các chính sách về thuế và hỗ trợ khác để giải quyết những vướng mắc trong giao dịch điện tử. Cần rà soát chính sách thuế, trong đó xem xét cho phép ưu đãi thuế đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ hoặc hạ tầng an ninh mạng, dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến.
Cụ thể, thành lập trung tâm dữ liệu quốc gia và an ninh mạng, cung cấp hạ tầng miễn phí cho người dân trong việc lưu trữ dữ liệu HĐĐT, cũng như thực hiện việc xác nhận các giao dịch thông qua các giải pháp an ninh mạng.  

Các tin khác