Mới hơn 4 triệu người dùng đã bị siết

(ĐTTCO) - Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến rộng rãi với tiêu chí giảm thiểu rủi ro hoạt động ví điện tử (VĐT). Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo sẽ tạo ra nhiều phiền hà hơn cho người sử dụng hình thức thanh toán hiện đại này.
Quy định gây phiền hà
Cả nước hiện có 26 tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT, với hơn 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán. Có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản NH tại thời điểm cuối năm 2018. Một thống kê được công ty tư vấn chiến lược và tiếp thị dịch vụ số châu Á (Solidiance) đưa ra hồi cuối năm ngoái, nêu giá trị dịch vụ VĐT Việt Nam khoảng 2,5 tỷ USD năm 2016 sẽ tăng lên 4,4 tỷ USD vào năm 2018, và dự đoán đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020. 
Tuy nhiên, dự báo này có thể sai lệch vì NHNN đang muốn siết lại hoạt động của VĐT thông qua hàng loạt quy định mới. Thí dụ, với yêu cầu 4,2 triệu người dùng ví đã liên kết tài khoản NH phải định danh thông qua hồ sơ chi tiết mở VĐT, sẽ khiến người dùng băn khoăn có nên tiếp tục sử dụng dịch vụ này.
Dĩ nhiên, khi tham gia sử dụng bất kỳ dịch vụ nào, người dùng cũng phải cung cấp thông tin. Nhưng NHNN có cần thêm quy định chi tiết về hồ sơ mở VĐT của cá nhân và tổ chức? Bởi lẽ, khi đăng ký VĐT, người dùng bắt buộc phải xác thực thông tin qua số điện thoại.
Mới hơn 4 triệu người dùng đã bị siết ảnh 1  
Để liên kết với NH, VĐT yêu cầu tài khoản NH phải có 2 điều kiện đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking, và số điện thoại đăng ký VĐT phải là số đã đăng ký nhận mã OTP của NH. Khi tiến hành liên kết, người dùng phải cung cấp các thông tin cá nhân như số tài khoản, họ tên chủ tài khoản, CMND, nhập mật khẩu Internet Banking và xác thực qua mã OTP gửi về số điện thoại. Như vậy, quy định mới sẽ buộc người dùng một lần nữa thực hiện lại các thao tác này.
Chị Thùy Linh (TPHCM) chia sẻ, năm ngoái yêu cầu đăng ký thông tin thuê bao đã khiến chị mất nửa ngày để đến điểm giao dịch của nhà mạng để hoàn thành thủ tục. Nay lại yêu cầu khai lại sẽ gây phiền phức cho khách hàng. Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), cho rằng việc xác thực thông tin hiện nay đã rất chặt chẽ, thậm chí trùng nhau nên cần làm sao có cơ chế liên thông để đơn giản, thông thoáng, tiện lợi và an toàn, đó là tiền đề cho thương mại điện tử tăng nhanh.

Mở bằng cơ chế chặt chẽ thay vì siết
Một quy định nữa cũng sẽ có tác động trực tiếp đến người dùng VĐT, là NHNN dự kiến quy định tổng hạn mức giao dịch của cá nhân tối đa 20 triệu/ngày và 100 triệu đồng/tháng, đối với tổ chức 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng. Quy định này đưa ra nhằm để VĐT chỉ tham gia những giao dịch nhỏ lẻ. Song cần hiểu rằng, người dùng chọn sử dụng VĐT vì tiện lợi, thanh toán được nhiều loại dịch vụ chỉ trong vài giây.
Ngoài thanh toán mua sắm hàng ngày, nhu cầu thanh toán dịch vụ khác qua VĐT như vé máy bay, phí bảo hiểm, viện phí, học phí… cũng đang gia tăng vì VĐT không chỉ miễn phí giao dịch, còn liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ triển khai giảm giá. Vì thế, quy định trên sẽ khiến xu hướng thanh toán các khoản dịch vụ bị co hẹp lại. 
Trong bối cảnh kênh thanh toán trực tuyến của các NHTM vẫn đang tồn tại tình trạng lúc thông lúc nghẽn, việc siết lại hình thức thanh toán trực tuyến thông suốt 24/7 của VĐT, sẽ cản trở tốc độ phát triển của thanh toán phi tiền mặt, nhất là đang trong giai đoạn Chính phủ yêu cầu trước tháng 12-2019, 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, các công ty viễn thông... trên địa bàn phải thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS.
Thực tế, việc NHNN đưa ra các quy định mới về thanh toán phi tiền mặt cũng hướng đến đảm bảo an toàn cho người sử dụng và an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, quy định cũng nên hướng đến nhu cầu của đại đa số người dùng. Một thời gian dài, NHNN mở rộng cửa để VĐT hoạt động, đã giúp nhiều người hình thành thói quen thanh toán qua VĐT.
Có thể chỉ một phần nhỏ trong số 4,2 triệu ví đã liên kết tài khoản NH thanh toán với hạn mức cao hơn quy định, nhưng nhu cầu là có thật và dự báo sẽ tăng mạnh khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng được cải thiện. Nay nếu siết lại về hồ sơ, liên kết tài khoản NH, hạn mức sẽ khiến người dân cảm thấy khó thích ứng, đồng thời sẽ hạn chế sự phổ biến của VĐT đến những khách hàng mới, nhất khách hàng ở nông thôn chưa có tài khoản NH. 
Thay vì siết lại, NHNN cần sớm hoàn thành khuôn khổ pháp lý để các thành viên thị trường có cơ hội phát triển, giúp hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt dần ăn sâu vào tâm lý người dân. Còn hiện nay, để hình thành thói quen này, các đơn vị phát hành VĐT hoạt động rất tích cực nhưng cơ chế hỗ trợ rất ít, phải gồng mình chạy đua khuyến mãi, chiết khấu cho người dùng sử dụng, trong khi hầu hết phải “sống” bằng tiền đầu tư của các quỹ nước ngoài.
Trong những quốc gia nổi tiếng về phát triển thanh toán di động, Kenya là một điển hình thường được nhắc đến với dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động M-PESA của nhà mạng Safaricom. Dịch vụ ra đời năm 2007 và đến năm 2017 đã có gần 20 triệu người sử dụng.
M-PESA hỗ trợ người dùng chuyển/rút tiền thông qua các đại lý hoặc chuyển đến số điện thoại người khác; vay/hoàn trả các khoản vay hay thậm chí gửi tiết kiệm bằng điện thoại. Người Kenya có thể mua tất cả sản phẩm dịch vụ với M-PESA vì từ taxi đến cửa hàng đến mỗi cá nhân chấp nhận hình thức này.  
Tại Trung Quốc, NH Trung ương yêu cầu các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán tham gia Wanglian (một liên minh thanh toán internet phi NH) để họ kiểm soát tất cả kênh thanh toán với dữ liệu liên quan, nhằm tránh các hành vi đánh cắp tài sản, rửa tiền, đồng thời thiết lập cơ chế tài chính an toàn cho người dùng.

Các tin khác