Nghiêm cấm sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép thông tin về người nộp thuế

(ĐTTCO) - Sáng 13-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc.
Doanh nghiệp xem xét thành lập tự vệ
Thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về quy định liên quan đến tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 2, Điều 17 dự thảo luật, doanh nghiệp tổ chức tự vệ khi có đủ 4 điều kiện: bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp; đã hoạt động từ đủ 12 tháng trở lên; có số lượng người thực hiện hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên để tổ chức ít nhất 1 tiểu đội tự vệ; theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đề án, kế hoạch tổ chức dân quân tự vệ của địa phương.
Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan, hiện nay ở nước ta có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế nên việc tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, nhất là trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khó bảo đảm phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng tự vệ “là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước”. 
Nghiêm cấm sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép thông tin về người nộp thuế ảnh 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tham gia biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc. Ảnh: TTXVN
Phát biểu giải trình thêm về dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, dân quân tự vệ là một thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nên phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là nguyên tắc tiên quyết, nếu không bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thì không tổ chức dân quân tự vệ. Về một số điều kiện để thành lập lực lượng này, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm quy định phù hợp, khả thi.
Không nên tách UBCKNN khỏi Bộ Tài chính
Vấn đề giữ nguyên mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hiện nay thuộc Bộ Tài chính hay chuyển sang thuộc Chính phủ như một số ý kiến trước đó đề xuất là nội dung được một số ĐB phản biện, tranh luận. Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động.
Bởi nhìn vào mục tiêu, nguyên tắc hoạt động, chức năng nhiệm vụ thì UBCKNN trực thuộc ai không phải là vấn đề cốt lõi mà quan trọng là phải đảm bảo tính độc lập và quy định rõ trách nhiệm, trao đủ thẩm quyền, nguồn lực để cơ quan này có đủ năng lực quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK). Số liệu về tình hình của TTCK từ khi thuộc Bộ Tài chính năm 2014 (chiếm 71,9% GDP năm 2018; mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK tăng lên 15% nửa cuối 2017 và 2018…) cho thấy mô hình trực thuộc Bộ Tài chính không gây ách tắc cho sự phát triển.
Vì vậy, việc đưa UBCKNN thành cơ quan thuộc Chính phủ cần hết sức cân nhắc vì sẽ gây xáo trộn, mất thời gian sắp xếp lại tổ chức nhân sự và có thể gây tác động đến TTCK trong khi thị trường đang phát triển bình thường.
Phân tích thêm, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, đề xuất thay đổi không có đánh giá tác động và không nêu bật được sự cần thiết. Các lý do là giảm bớt khâu trung gian, tăng tính độc lập hay đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính còn nặng về định tính, chưa được chứng minh bằng các lập luận khoa học và bằng chứng thuyết phục.
Chính vì vậy, nếu không làm rõ sự cần thiết phải thay đổi mô hình thì cần giữ nguyên như hiện hành là UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính và nghiên cứu bổ sung thêm các quy định để bảo đảm tính độc lập; trao đủ thẩm quyền để UBCKNN quản lý, giám sát được toàn diện chứng khoán và TTCK, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường.
Giải trình về việc đa số ý kiến phát biểu tại hội trường ủng hộ phương án như hiện tại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, UBCKNN thuộc Bộ Tài chính vẫn đảm bảo tính độc lập trong hoạt động quản lý, giám sát TTCK, nhưng cũng đảm bảo với việc thực hiện các thông lệ quốc tế. Hiệp hội các UBCK quốc tế không khuyến nghị cơ quan quản lý TTCK phải là cơ quan độc lập của Chính phủ.
Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính luôn tôn trọng tính độc lập và không can thiệp vào hoạt động của UBCK. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tiếp thu các ý kiến, dự thảo luật lần này đã bổ sung thêm 3 thẩm quyền rất quan trọng.
Đó là quyền được tiếp cận thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát thị trường; quyền chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, các giải pháp bảo vệ an ninh, an toàn cho TTCK khi xử lý các sự cố, biến động bất thường trên TTCK; và quyền báo cáo trực tiếp các cấp có thẩm quyền về tình hình TTCK.
Giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án 
Sáng 13-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Đầu tư công (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành lần lượt là 91,32% và 90,7% tổng số ĐBQH.
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế, trong đó có việc làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.
Riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2022; song các cơ quan, tổ chức, cá nhân được khuyến khích áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 1-7-2022.
Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ thuế phát sinh trước ngày 1-7-2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13. 
Đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi), tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, B, C (điều 7 đến điều 10), được giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành. Về thời gian trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn, tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau để Quốc hội cho ý kiến về các nội dung theo quy định tại Điều 49 của luật này.
Về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo kết quả lấy ý kiến ngày 3-6, do không có phương án nào được trên 50% đại biểu lựa chọn, luật giữ cơ bản như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành; đồng thời chỉnh lý một số chi tiết để đảm bảo đồng bộ với Luật Ngân sách Nhà nước. Về thẩm quyền, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia theo khoản 1 Điều 17 của Luật Đầu tư công hiện hành.

Các tin khác