Siết cho vay ngoại tệ để chống “đôla hóa”

(ĐTTCO)-Từ ngày 31-3, các tổ chức tín dụng đã dừng cho vay ngắn hạn ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu phục vụ sản xuất - kinh doanh cho nhu cầu trong nước. Tiếp tục thực hiện việc thắt chặt cho vay ngoại tệ, nhằm chuyển từ quan hệ tiền gửi và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 30-9 tới sẽ dừng luôn việc cho vay ngoại tệ để nhập khẩu trung và dài hạn.
Siết cho vay ngoại tệ không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay VND. Ảnh: HUY ANH
Siết cho vay ngoại tệ không ảnh hưởng đến lãi suất cho vay VND. Ảnh: HUY ANH

Chi phí vốn doanh nghiệp tăng không đáng kể

Quy định trên là thực hiện theo Thông tư 42/2018 của NHNN về cho vay ngoại tệ. Cụ thể, các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cho vay bằng ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước, khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu để trả nợ vay đến hết ngày 31-3-2019.

Nếu cho vay trung hạn và dài hạn, thực hiện đến hết ngày 30-9-2019. NHNN cũng dỡ bỏ quy định giới hạn thời gian cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

"NHNN đang theo đuổi mục tiêu chống “đôla hóa” trong nền kinh tế, nên chính sách cho vay ngoại tệ sẽ từng bước hạn chế và dần chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Từ đó, nguồn lực ngoại tệ chỉ phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu như cá nhân mua ngoại tệ thanh toán tiền du học, khám chữa bệnh ở nước ngoài, DN mua bán ngoại tệ thanh toán các hợp đồng xuất nhập khẩu. Việc siết cho vay ngoại tệ sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các DN xuất nhập khẩu vì rủi ro về tỷ giá đến từ khách quan. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng thương mại đã cung cấp công cụ phái sinh để bảo đảm DN muốn mua ngoại tệ trong tương lai được cung cấp theo hợp đồng kỳ hạn"
Ông NGUYỄN HOÀNG MINH,
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

Tuy nhiên, khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD cho vay, theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.

Với việc siết cho vay ngoại tệ này, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu trong nước sẽ phải vay bằng VND với chi phí vốn cao hơn so với vay USD khoảng 3% - 4%/năm, trong bối cảnh tỷ giá dự báo sẽ biến động khoảng 2% - 3% trong năm 2019, đó là chưa kể nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, đồng nhân dân tệ mạnh hơn, áp lực tăng tỷ giá USD/VND rất lớn.

Vì thế, lãnh đạo khối DN của Ngân hàng HSBC cho rằng, khi phải chuyển sang vay VND với chi phí vốn cao hơn, đối với DN có nguồn thu ngoại tệ thì có thể bán ngoại tệ kỳ hạn để lấy VND giúp giảm chi phí vốn vay.

Như vậy, chi phí tăng thêm thực tế sẽ rất ít đối với nhóm DN này. Đối với DN không có nguồn thu ngoại tệ, với thực tế VND thường mất giá 1% - 2% hàng năm nên chi phí vay vốn VND cũng không tăng nhiều so với vay USD. Nhìn chung, chi phí vay vốn bằng VND của DN sẽ tăng lên so với vay USD, nhưng không nhiều.

Về thắc mắc siết cho vay ngoại tệ có làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với khách hàng DN có nhu cầu về ngoại tệ hay không, lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng không làm hạn chế. Bởi lẽ, DN khi có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ hoàn toàn có thể vay VND và sau đó mua ngoại tệ để thanh toán. Các ngân hàng có thể tư vấn các giải pháp tài chính giúp DN thực hiện điều này một cách hiệu quả về chi phí.

Không ảnh hưởng đến lãi suất VND

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc kiểm soát chặt cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ là điều cần thiết, để chống “đôla hóa”. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng ngoại tệ trong nước.

Ở Việt Nam, tỷ giá USD/VND ổn định trong những năm gần đây đã tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN xuất khẩu. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay bằng đồng USD thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay bằng VND - sự chênh lệch lãi suất này khiến nhu cầu vay USD của các DN tăng cao nhằm giảm chi phí lãi vay. Điều này đã góp phần ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối của Việt Nam nên không thể đáp ứng tùy tiện tất cả các nhu cầu.

Trước những ý kiến lo ngại việc dừng cho vay ngoại tệ sẽ làm lãi suất cho vay VND tăng, theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM, thanh khoản VND có thể bị ảnh hưởng do ngân hàng phải thu xếp đủ nguồn vốn nội tệ để có thể cho vay. Trong đó, những ngân hàng thương mại không có nguồn vốn VND dồi dào có thể sẽ gặp khó khăn để đáp ứng nhu cầu vay vốn.

“Việc chuyển dần từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ, trong ngắn hạn, cạnh tranh trên lãi suất cho vay và huy động vốn bằng VND có thể căng thẳng hơn dẫn đến lợi nhuận biên của ngân hàng thương mại có khả năng giảm. Tuy nhiên, trong dài hạn thì thị trường sẽ tự cân bằng”, vị này nhận định. 

Trong khi đó, một chuyên gia trong ngành lại cho rằng, những lo ngại về việc quy định trên có thể đẩy lãi suất VND tăng là không chuẩn xác. Vị này phân tích, nếu DN vay ngoại tệ để nhập khẩu thì cái họ cần là ngoại tệ chứ không phải là VND, nên nếu không vay được ngoại tệ thì DN buộc phải mua ngoại tệ.

Việc mua ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán đơn hàng nhập khẩu hợp pháp thì chắc chắn sẽ được ngân hàng đáp ứng đầy đủ, nên DN nhập khẩu cũng sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực gì từ chuyện cấm cho vay ngoại tệ của NHNN. Khi DN nhập khẩu vay VND mua ngoại tệ thì DN đó phải nộp VND cho ngân hàng và ngân hàng trả lại cho DN số ngoại tệ tương ứng với lượng VND mà DN đã nộp.

Vì vậy, lượng VND mà DN rút ra khi vay ngân hàng sẽ gần đúng bằng lượng DN nộp lại cho ngân hàng để đổi lấy ngoại tệ, nên cung - cầu VND không thay đổi và không làm cho lãi suất cho vay VND tăng lên như lo ngại.

Các tin khác