Tăng lãi suất USD vào thời điểm phù hợp

(ĐTTCO) - Tại buổi làm việc với NHNN mới đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã yêu cầu NHNN sớm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động nguồn lực ngoại tệ trong dân.
 
Đặc biệt là USD để phục vụ đầu tư phát triển, sớm báo cáo đề xuất đề án huy động ngoại tệ trong dân. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH.
PHÓNG VIÊN: - Quan điểm của ông như thế nào trước việc Chính phủ yêu cầu NHNN đề xuất đề án huy động ngoại tệ trong dân?

 Việc tăng lãi suất USD trong tương lai là cách để huy động được nguồn vốn của người dân. Còn hiện tại, các NH nên có những chương trình khuyến mại để khuyến khích người dân gửi tiền vào NH thay vì giữ tiền tại nhà. Đó là điều mà tại thời điểm này có thể làm được.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Theo tôi đây là một chủ trương đúng, vì hiện nay số ngoại tệ trôi nổi trên thị trường rất lớn. Trong đó có những tiệm vàng kinh doanh USD trên thị trường tự do, người dân dự trữ USD trong nhà chờ tỷ giá tăng sẽ bán ra. USD và vàng có tính thanh khoản cao, nên thay vì gửi NH nhiều người vẫn đang tự giữ để chờ thời kinh doanh kiếm lời.
Do đó để huy động được số USD sử dụng cho phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng, vì USD nằm “chết” trong dân do gửi vào hệ thống NH không có lãi suất. Khi USD vào NH sẽ tạo thanh khoản vì NH có thể cho vay đối với các công ty xuất nhập khẩu, từ đó hỗ trợ cho nền kinh tế.

- Vậy ông kiến nghị giải pháp nào để huy động được nguồn USD trong dân?

- Một điểm đáng mừng là hiện tại các NH vẫn nhận được tiền huy động bằng USD của người dân và các tổ chức kinh tế. Sở dĩ người dân và tổ chức kinh tế gửi USD tại các NH vì họ cần có số dư trên tài khoản để sử dụng, chẳng hạn như doanh nghiệp xuất nhập khẩu chi trả bằng USD nên phải duy trì USD trên tài khoản; hay nhiều người dân vì vấn đề an toàn không muốn giữ ở nhà nên đến gửi NH, đồng thời cũng có nhiều người có thói quen giữ USD tại tài khoản NH.
Do vậy để huy động được nguồn ngoại tệ đang cất giữ trong dân, một trong những giải pháp là tăng lãi suất lên. Song tăng lãi suất USD tại thời điểm này chưa nên thực hiện vì tỷ giá đang ổn định. NHNN cũng đã thành công trong việc chống đô la hóa, hiện tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế (dùng USD để thanh toán dịch vụ) rất thấp. Nếu bây giờ trả lãi suất trên tiền gửi USD có thể ảnh hưởng đến chủ trương tiến trình này. 

Tuy nhiên, từ đây đến cuối năm có nhiều áp lực lên đồng USD. Trước hết là khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất sẽ áp lực lên VNĐ. Nếu huy động USD vẫn giữ lãi suất bằng 0% có thể nguồn tiền sẽ chảy ra nước ngoài.
Đồng thời, từ đây đến cuối năm Việt Nam có thể nhập siêu, lúc đó nhu cầu USD sẽ tăng lên, từ đó sẽ đẩy tỷ giá lên. Do đó, tôi cho rằng vì sự ổn định của USD và VNĐ, việc giữ lãi suất bằng 0% tại thời điểm này nên duy trì cho đến khi FED tăng lãi suất thì mới xem xét tăng. - Vậy theo ông nếu cần phải tăng lãi suất huy động USD thì điều chỉnh như thế nào để vừa ổn định được thị trường, vừa huy động được ngoại tệ?
Tăng lãi suất USD vào thời điểm phù hợp ảnh 1 Ảnh: LONG THANH 
- Tôi nghĩ rằng tối thiểu nên điều chỉnh 0,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Mặc dù lãi suất USD tiêu biểu trên thế giới là lãi suất LIBOR hiện tại vào khoảng 1,25%, Việt Nam cũng có thể nâng lãi suất tiền gửi USD lên mức 1,25%/năm là tốt nhất, nhưng tôi e rằng đột ngột từ lãi suất bằng 0% lên 1,25% sẽ tạo ra biến động trên thị trường tài chính Việt Nam. Mức 0,5% là vừa đủ và không thể thấp hơn mức này.- Nhưng thưa ông có ý kiến khuyến nghị nên tăng lãi suất tiền gửi USD lên 2-2,5% để huy động được nguồn tiền trong dân và kéo dài lộ trình chống đô la hóa so với lộ trình cũ, ông nghĩ sao?
- Tôi nghĩ ngay cả tăng lên 1% cũng đã nhiều, tăng đến 2% sẽ tạo ra hiện tượng người dân rút VNĐ để đổi ra USD gửi với ý muốn đầu cơ. Vì họ nghĩ gửi USD được hưởng 2%, từ đây đến cuối năm tỷ giá sẽ tăng khoảng 3% nữa, họ sẽ được lợi đến 5%. Nếu như vậy hệ thống NH sẽ gặp khó khăn về thanh khoản. Do đó tôi không đồng tình với việc tăng quá nhiều như vậy.  Còn về việc chống đô la hóa, tôi nghĩ Việt Nam đã có một bước tiến triển rất tốt. Cách đây 10 năm, hiện tượng rao bán nhà với giá tiền tính bằng USD, nhiều cửa tiệm giao dịch bằng USD rất phổ biến thì hiện nay không còn. Hiện ở khu vực sân bay quốc tế có những cửa tiệm trong khu giới hạn có thể giao dịch bán hàng bằng USD, còn trong nội địa tất cả giao dịch phải bằng VNĐ, đây là điều rất thành công.
Nhưng dĩ nhiên hiện tượng đô la hóa chưa được loại trừ, vì vẫn còn chấp nhận người dân giữ USD nên chưa thể chống đô la hóa toàn diện. Do vậy chống đô la hóa vẫn tiếp tục trong nhiều năm tới chứ không thể tuyên bố đến một thời điểm nào đó chỉ có duy nhất VNĐ được lưu hành tại Việt Nam, làm như vậy sẽ gây mất nguồn ngoại tệ.

- Năm ngoái trong kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016 có nêu định hướng huy động vốn bằng phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước và quốc tế. Theo ông có nên phát hành trái phiếu ngoại tệ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ?

- Tôi hoàn toàn không đồng ý vấn đề này. Bởi bên cạnh việc phát hành trái phiếu bằng VNĐ để huy động vốn lại muốn phát hành một loại trái phiếu ngoại tệ sẽ đi ngược chủ trương chống đô la hóa.
Hiện tại Việt Nam cũng chấp nhận đồng USD trong nền kinh tế nhưng chỉ trong một giới hạn nào đó thôi. Tức cho phép người dân mở tài khoản USD, cho phép người dân giữ USD, nhưng tất cả những giao dịch đều khuyến khích giao dịch bằng VNĐ.
Nếu cho phép người dân mua trái phiếu bằng ngoại tệ, điều đó sẽ khuyến khích người dân sử dụng USD. Khuyến khích người dân sử dụng USD qua công cụ phát hành trái phiếu USD nội địa sẽ không ổn. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu bằng USD trên các thị trường thế giới, còn nếu dùng cho thị trường nội địa sẽ gây ảnh hưởng đến chủ trương.

- Theo ông Việt Nam có nên xây dựng một sàn giao dịch ngoại hối để huy động ngoại tệ trong dân?

- Liên quan đến ngoại tệ, Việt Nam cũng đã có 2 thị trường: thị trường liên NH là chính thức và thị trường tự do. 2 thị trường đó ảnh hưởng đến nhau. Cơ chế hiện tại là cơ chế liên NH cũng thay đổi, biến động từng giây từng phút. Nếu có sàn giao dịch ngoại hối có lẽ cũng không có bổ sung nhiều cho cơ chế hiện tại Việt Nam đang có.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng một sàn giao dịch ngoại hối để tất cả người dân, doanh nghiệp và NH tham gia cũng là một điều mới và tránh được tình trạng USD trôi nổi trên thị trường tự do. Tại thời điểm này nếu thêm sàn giao dịch cũng không có tác động gì nhiều trong vận hành của thị trường hối đoái.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác