Tăng tín dụng theo sức khỏe nhà băng

(ĐTTCO) - Không chỉ áp trần tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho hệ thống NHTM, NHNN còn đang định hướng giảm tốc TTTD khi mức tăng của năm 2018 và 2019 chỉ 14%. Song NHNN cũng khuyến khích các NH lành mạnh hóa hoạt động bằng cách cấp hạn mức TTTD cao hơn cho các NHTM đã đạt chuẩn Basel II. 
Theo các chuyên gia, mặc dù áp trần TTTD còn mang tính chất hành chính, nhưng phải thực hiện do đặc thù của ngành NH Việt Nam. Nhưng với sự phân bổ như vậy cho thấy, nếu các NHTM đáp ứng được chuẩn mực Basel II có thể sẽ được tự chủ tín dụng theo cung cầu của thị trường.
Kiểm soát và giảm tốc TTTD
Tại Hội thảo kinh tế Việt Nam 2019 diễn ra mới đây, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, năm 2018, NHNN đặt mục tiêu tăng tín dụng 17% và 2 năm trước đó tín dụng cũng tăng trưởng trên 18%.
  Nếu các NH áp dụng Basel II, NH sẽ có cơ hội được tự chủ tín dụng. Khi đó dù cho tự chủ nhưng cũng không lo TTTD ồ ạt, vì NHNN còn nhiều công cụ khác như lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn để điều hành và NHTM cho vay cũng phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chứ không thể tăng vô hạn vì phải giữ tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, cũng như họ cũng không muốn quay lại thời kỳ nợ xấu. 
TS. Trần Du Lịch
Tuy nhiên, trong quá trình điều hành, NHNN nhận thấy quy mô tín dụng tăng quá lớn, tốc độ tăng cao, nên cũng thận trọng và cố gắng tiết kiệm TTTD để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất huy động vốn, giữ chất lượng tài sản của các TCTD. Theo đó, chỉ tiêu TTTD đã được giảm xuống và cuối năm 2018 chỉ ở mức 14%.
Vì cân đối vĩ mô, NHNN tiếp tục dự kiến TTTD năm 2019 tương tự như năm 2018.
Ông Phạm Thanh Hà cũng lý giải thêm, trong vấn đề tín dụng, ngoài cầu vốn còn phải nhìn vào nguồn cung, tức là tổng huy động vốn, tổng phương tiện thanh toán có thể đáp ứng được cầu hay không.
Mỗi NHTM muốn cho vay được phải huy động được. Giả sử TTTD rất cao, áp lực huy động vốn sẽ rất lớn, và sẽ tác động đến lãi suất vì nguồn cung hữu hạn, tổng phương tiện thanh toán hữu hạn. Đó là một trong những lý do phải kiểm soát TTTD, chưa kể vòng quay của tiền tệ rất lớn và tạo ra bất ổn vĩ mô, trực tiếp tác động đến lạm phát. 
Năm 2008 lạm phát lên đến 2 con số, sau đó áp dụng trần TTTD thì từ năm 2012 đến nay lạm phát đã giảm về 1 con số trong 7 năm liên tục. Điều này cho thấy, kiểm soát TTTD giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, ổn định mặt bằng lãi suất huy động vốn.
Đồng thời, tín dụng tăng trưởng ở mức vừa phải và thực chất còn làm tăng chất lượng tín dụng và giảm rủi ro cho các NHTM. Thời gian tới, trước mắt vẫn phải kiểm soát TTTD nhưng NHNN có sự phân bổ cụ thể. Những NH có tăng trưởng tốt, kiểm soát rủi ro tốt và phân bổ tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên và đạt tiêu chuẩn Thông tư 41, sẽ được tăng tín dụng cao hơn các NH khác.
Tăng tín dụng theo sức khỏe nhà băng ảnh 1 Nhiều NH cũng đã tính đến việc NHNN siết lại TTTD. 
Xoay chuyển khi tín dụng giảm tốc
Đối với NHTM, sản phẩm tín dụng vẫn là sản phẩm kinh doanh chính. Nhưng trong khi các doanh nghiệp (DN) kinh doanh luôn phải mở rộng quy mô hoạt động, muốn bán được càng nhiều sản phẩm càng tốt, nhưng NH không được mở rộng quy mô như mong muốn mà phải tuân thủ theo quy định của NHNN vì đây là một ngành đặc thù.
Cũng vì vậy nên kể từ khi khi NHNN bắt đầu áp trần TTTD, câu chuyện xoay chuyển chiến lược kinh doanh đã được các NHTM đặt ra.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, OCB là một trong những NH đã chuẩn bị hệ thống quản lý rủi ro cách đây 5 năm và hoàn tất cơ sở hạ tầng cho Basel II cách đây 2 năm (trước 1 năm so với thời điểm NHNN công nhận). Tuy nhiên, OCB cũng nhận định muốn bản thân phát triển mạnh thì đòi hỏi cả hệ thống phải ổn định chứ không phải riêng NH quản lý rủi ro tốt là được.
Do đó, NH hiểu việc NHNN duy trì chính sách tín dụng và cũng ủng hộ chủ trương giảm tốc TTTD đang áp dụng, và NH phải có bước đi phù hợp để đạt được mục tiêu kinh doanh. Cụ thể, năm 2018, OCB đã TTTD được khoảng 19% theo cho phép của NHNN, nhưng bên cạnh đó cũng tăng cường thu xếp vốn trong và ngoài nước, thu xếp phát hành trái phiếu và tăng vốn cho 1 số khách hàng DN với mức tăng 6-7%… 
Dự báo trong vòng 10 năm tới, việc TTTD trên 20% sẽ không xảy ra và mỗi NH phải tự điều chỉnh mục tiêu để có mức độ tăng trưởng phù hợp, vẫn mở rộng quy mô thị phần bằng các dịch vụ thanh toán, thu xếp vốn, các dịch vụ phái sinh trong tương lai nếu NH được cho phép làm.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cũng chia sẻ, mục tiêu TTTD của Vietcombank năm nay là 14%, thấp hơn năm 2018 là 1%. Con số 1% đối với NH cũng là doanh số rất lớn, cho nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh doanh năm 2019, NH phải tiếp tục xác định các định hướng năm 2018 đạt được nhưng nay tiếp tục đẩy mạnh mảng NH số và chuyển dịch từ bán buôn bán lẻ.
Tuy nhiên, năm 2018, NHNN công nhận 3 NH đạt chuẩn Basel II theo Thông tư 41, theo đó các NH có thể được TTTD hơn 14%, các NH khác độ rủi ro cao có thể tăng tín dụng thấp hơn. Do đó, Vietcombank hy vọng TTTD 14% có thể đạt được mục tiêu kinh doanh, nhưng nếu như nền kinh tế có điều kiện, có nhu cầu có thể tăng trưởng hơn, NH sẽ tiếp tục tăng tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm của Việt Nam.

Sẽ tự chủ khi hệ thống lành mạnh
Trao đổi với ĐTTC, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, mặc dù NHNN định ra kế hoạch TTTD, nhưng đây không phải là kế hoạch cứng hay chỉ tiêu pháp lệnh, mà là kế hoạch dự báo để NHNN điều hành chính sách tiền tệ. Con số này gắn liền với một số yêu cầu. Thứ nhất, mức TTTD đó phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, đáp ứng nhu cầu tín dụng, nhu cầu đầu tư của thị trường. Khi NHNN đưa ra kế hoạch như vậy sẽ điều hành khối lượng tiền tệ lưu hành, điều chỉnh lãi suất đồng thời cũng đảm bảo đảm kiểm soát được một số NHTM chưa đủ tiêu chuẩn tự chủ trong vấn đề huy động và cho vay. 
Trước đây, nếu kế hoạch tăng trưởng kinh tế 7%, tín dụng phải tăng trưởng trên 20%, điều đó chứng tỏ nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng NH rất lớn. Những năm gần đây, tốc độ tăng tín dụng so với tốc độ tăng trưởng kinh tế ít hơn, từ gấp 3 lần chỉ còn gấp 2 lần.
Điều này xuất phát từ việc đáp ứng vốn trung hạn của thị trường vốn, tức là số DN đã huy động được một phần từ thị trường vốn. Đồng thời, tích lũy vốn chủ sở hữu của DN cũng tăng lên, từ đó giúp cho áp lực cấp vốn ngắn hạn trung hạn và dài hạn của NHTM giảm đi.
Trước đây, ngay cả trái phiếu chính phủ cũng dựa vào NHTM, DN cần tiền đầu tư cũng dựa vào NHTM, nhưng hiện nay tỷ lệ đầu tư trái phiếu chính phủ của NHTM cũng giảm xuống hơn 50%, khả năng đáp ứng vốn cho DN của thị trường vốn tăng dần lên. Xu hướng này tích cực hỗ trợ cho NHNN điều hành kế hoạch TTTD giảm xuống 14%. Tuy nhiên, do con số này chỉ mang tính dự báo điều hành chính sách, do đó NHNN cũng có thể điều chỉnh theo nhu cầu của nền kinh tế.

Các tin khác