Tăng tỷ giá, mua vào USD

(ĐTTCO) - 2 tháng đầu năm 2019, tỷ giá tại các NHTM không có nhiều biến động. Tuy nhiên, tỷ giá trung tâm lại liên tục được NHNN điều chỉnh tăng. Mới đây, giá mua USD cũng được Sở Giao dịch NHNN tăng thêm 6 đồng. Động thái này được cho là nhà điều hành đang tranh thủ điều kiện thị trường thuận lợi mua vào USD, tăng dự trữ ngoại hối.

Tăng tỷ giá, mua vào USD
Tỷ giá NH lặng sóng
Năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng tổng cộng 1,45%, trong khi đó tỷ giá giao dịch trên thị trường liên NH cũng như trên thị trường tự do tăng khoảng 2,38%, tỷ giá tại các NHTM tăng khoảng 2,16%. Tỷ giá USD/VNĐ tăng lên vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất đến 4 lần lên mức 2,25-2,5%/năm. Ngoài ra, một số ngoại tệ khác cũng đã giảm giá so với USD từ 2,5-10%, trong đó Nhân dân tệ là đồng tiền ghi nhận mức mất giá đến 10%. 
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tỷ giá tại các NHTM lại rơi vào tình trạng lặng sóng. Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VNĐ chốt phiên cuối tuần qua ở mức 23.150- 23.250 đồng/USD, giảm 5 đồng chiều mua vào và tăng 5 đồng chiều bán ra so với đầu năm. Giá mua vào ở các NH khác cũng chỉ dao động ở mức 23.097 - 23.160 đồng/USD, giá bán ra khoảng 23.240 - 23.259 đồng/USD, không tăng nhiều so với hồi đầu năm. Giá USD giao dịch trên thị trường tự do thấp hơn đáng kể so với giá USD, mức giá cụ thể là 23.200 - 23.230 đồng/USD.
Theo TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, diễn biến ổn định của tỷ giá trên thị trường đầu năm 2019 xuất phát từ các số liệu thống kê có liên quan tác động đến xu hướng của tỷ giá từ đầu năm 2019, và có thể kéo dài đến hết năm nay.
Cụ thể, lượng kiều hối năm 2018 đạt kỷ lục 16 tỷ USD, trong điều kiện nhiều nước trên thế giới ghi nhận lượng kiều hối giảm. Song song đó, cán cân thương mại Việt Nam năm 2018 đã thặng dư gần 7 tỷ USD, vốn FDI giải ngân gần 20 tỷ USD, cộng với chính sách tiền tệ của NHNN định hướng giữ ổn định tỷ giá.
Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng nhận định, dự báo cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư năm 2019 nhờ xuất khẩu vẫn tăng trưởng, Việt Nam sẽ hấp dẫn được nhiều vốn FDI và dòng kiều hối ổn định. 2 tháng đầu năm, FDI giải ngân đạt 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khoảng 3.527 tỷ đồng.
Như vậy, cung ngoại tệ trong nước tương đối tích cực. Trên thế giới, sau khi tăng lãi suất lần thứ 4 vào tháng 12-2018, FED tuyên bố sẽ hạn chế tăng lãi suất trong thời gian tới. Định hướng này cũng phù hợp với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế trên thế giới.
Những yếu tố này sẽ giúp tỷ giá giữ được ổn định và tăng giá dưới 3%, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các chủ thể có điều kiện tiếp cận nguồn vay vốn ngoại tệ của các NH.

Cơ hội mua vào USD
Tuy nhiên, bên cạnh sự ổn định tỷ giá của các NHTM, một yếu tố khác đang thu hút sự chú ý là tỷ giá trung tâm. Bởi nối tiếp xu hướng từ cuối năm 2018, 2 tháng đầu năm nay, NHNN liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. So với tháng 1, tỷ giá trung tâm trong tháng 2-2018 đã tăng 0,2%, trong khi tỷ giá giao dịch tại các NHTM gần như không thay đổi.
Trong khi đó, trên thế giới nửa đầu tháng 2, chỉ số USD tăng mạnh nhưng sau đó đã giảm trở lại do sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ của FED, từ thắt chặt chuyển sang xem xét không tăng lãi suất nữa, dẫn đến nhiều dự báo đồng USD khó tăng mạnh trong năm 2019.
Tính chung 2 tháng, tỷ giá trung tâm đã tăng 0,5%, từ mức 22.825 đồng/USD lên 22.946 đồng/USD. Ngày 8-3, tỷ giá USD mua bán tại Sở giao dịch NHNN được niêm yết ở 23.200 -23.584 đồng/USD, giá mua không đổi nhưng giá bán đã tăng 6 đồng so với ngày trước đó.
Ngày 7-1, NHNN đã trở lại mua vào ngoại tệ với khoảng 200 triệu USD, sau nửa năm bị đứt đoạn do sự biến động mạnh của đồng USD trên thị trường. Trong 2 ngày liên tiếp sau đó, NHNN đã mua thêm khoảng 500 triệu USD. Năm ngoái, trong nửa đầu năm 2018, thanh khoản hệ thống TCTD khá dồi dào, do được hỗ trợ từ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 7-2018, thanh khoản kém dồi dào hơn, chủ yếu do áp lực từ phía tỷ giá và nhu cầu về vốn cuối năm tăng cao. Dù vậy, tính chung cả năm, số ngoại tệ NHNN mua vào đạt khoảng 6 tỷ USD. Điều này là cơ sở để ổn định thị trường, giúp cho VNĐ chỉ mất giá khoảng 2,16%, trong khi đồng tiền nhiều quốc gia khác mất giá khá mạnh.
Do đó, động thái đi ngược thị trường của NHNN thời gian gần đây được các chuyên gia lý giải là biện pháp để NHNN hút USD chảy về, tăng dự trữ ngoại hối khi tỷ giá ổn định, dự phòng cho những thời điểm căng thẳng. Hơn nữa, tỷ giá trung tâm tăng cũng giúp mức giá giao dịch các NH được áp dụng rộng hơn, tránh bị sốc khi có những biến động xảy ra. Cụ thể, với tỷ giá trung tâm cuối tuần qua, các NH được áp dụng tỷ giá sàn là 22.258 đồng/USD và tỷ giá trần đến 23.634 đồng/USD. 
 Trong cách điều hành, NHNN đang cho thấy các nguyên tắc, như dù chịu nhiều sức ép nhưng vẫn lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng tâm, để cho người dân Việt Nam thấy VNĐ có lợi hơn USD, bằng cách giữ lãi suất VNĐ cao hơn nhiều lãi suất USD cộng với thay đổi tỷ giá, dùng công cụ điều hành một cách khéo léo để mua vào ngoại tệ nhưng không gây ra lạm phát. 

Các tin khác