Tập trung giảm lãi vay

(ĐTTCO) - Ngay từ đầu năm, NHNN đã nhấn mạnh mục tiêu giảm lãi suất là trọng tâm của 2018. Theo đó, NHNN đã chủ động giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) từ 5%/năm xuống 4,75%/năm để các TCTD có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay.
Tập trung giảm lãi vay
Nhiệm vụ trọng tâm
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2018, Thống đốc NHNN đã định hướng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ này, 4 NHTM có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, VietinBank và BIDV đã điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trong khi đó, VPBank cũng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường. Theo thống kê của NHNN, sau khi điều chỉnh, lãi suất cho vay của khối NHTM có vốn nhà nước (chiếm trên 48% thị phần cấp tín dụng của toàn hệ thống TCTD) phổ biến ở mức 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung, dài hạn.
Trong cuộc họp tổng kết cuối năm 2017 tại TPHCM, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định việc giảm lãi suất cho vay trong năm 2018 được NHNN xem là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, năm nay tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16%, tín dụng tăng khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị 01 ngày 10-1-2018 chỉ đạo toàn hệ thống triển khai nhiệm vụ kế hoạch ngành NH, trong đó các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.

Chưa thể giảm đại trà
Cuối năm 2017, lãi suất liên NH qua đêm bình quân ở mức 1,3%, giảm khoảng 3,2% so với đầu năm; lãi sất huy động bình quân khá ổn định; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5-1% so với đầu năm. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8-11%/năm.
Song dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nguyên nhân do thị trường tiền gửi và thị trường liên NH kém liên thông. Đồng thời, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi NIM của các TCTD vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Tại thời điểm này, sau khi có những thông tin tích cực về việc áp dụng chính sách giảm lãi vay của NHNN và NHTM, nhưng khi nói về lãi suất cho vay, quan điểm chung của các chuyên gia vẫn là lãi suất chỉ có thể giảm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, chưa thể giảm lãi suất đại trà.
Bởi ngoài những nguyên nhân nêu trên, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, cộng với việc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống 45%, đã đẩy nhu cầu huy động vốn và các NH đang tăng lãi suất kỳ hạn dài để hút vốn đáp ứng. Hơn nữa, kỳ vọng lạm phát năm 2018 cao hơn năm 2017 nên việc giảm lãi suất đầu vào sẽ khó khăn.
Năm nay, nợ xấu tiếp tục được kỳ vọng đẩy mạnh xử lý để các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Nhưng điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và cần có thời gian. Chẳng hạn tại VAMC hiện đang có tài sản đảm bảo được chào bán đấu giá nhiều lần vẫn chưa thành công, vừa tổ chức đợt chào bán đấu giá lần thứ 10 vào cuối tháng 1, cho thấy việc bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu vẫn còn khó khăn.

Tập trung lĩnh vực ưu tiên
Theo số liệu của Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), năm 2017 tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 20-23%, nông nghiệp chế tạo, chế biến 26%, xuất nhập khẩu 16%, ứng dụng công nghệ cao 20%, công nghiệp hỗ trợ 22%, doanh nghiệp nhỏ và vừa 11,53%, dịch vụ thương mại tăng 12,94%...
Ước tính tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên chiếm gần 50% tổng dư nợ, do đó nhiều ý kiến cũng đồng tình việc tập trung giảm lãi suất đối với những lĩnh vực ưu tiên, kích thích được tăng trưởng kinh tế thay vì giảm lãi suất cho tất cả lĩnh vực, có thể dẫn đến vốn chảy mạnh vào như BOT, chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng gây bong bóng thị trường.
Đối với các lĩnh vực rủi ro, NHNN lưu ý các NHTM phân bổ tín dụng trong năm với yêu cầu đảm bảo hiệu quả thu hồi dòng vốn, hạn chế nợ xấu phát sinh. Riêng với lĩnh vực bất động sản, NHNN luôn theo dõi sát tình hình cấp tín dụng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động, đồng thời yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực này, đặc biệt là với phân khúc trung cấp và cao cấp.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD ưu tiên xem xét cho vay các dự án nhà ở xã hội có hiệu quả và phân khúc sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Định hướng của NHNN như vậy có thể xem là cơ sở để các TCTD chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội.

Các tin khác