Tìm giải pháp quản lý Bitcoin

(ĐTTCO) - Bitcoin chưa được chấp nhận tại Việt Nam, người dùng không được bảo hộ về mặt pháp luật, nhưng số lượng người Việt Nam tham gia đầu tư kinh doanh Bitcoin rất đông với lượng tiền rất lớn. 
Chính vì vậy Chính phủ đã ban hành Quyết định 1255 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử, nhưng vẫn còn chờ 1-2 năm tới mới có thể biết những đồng tiền ảo như Bitcoin có được công nhận hay không.
Nhiều nước quản lý bằng đạo luật

Tập đoàn Dongbu Group, thuộc nhóm 20 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc vừa công bố hợp tác với Sentbe, nhà cung cấp dịch vụ chuyển kiều hối bằng Bitcoin, thông qua NH Tiết kiệm Dongbu trực thuộc tập đoàn. Thông qua dịch vụ chuyển kiều hối bằng Bitcoin của Sentbe, khách hàng có thể gửi tiền từ Hàn Quốc đến Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Indonesia và Philippines với mức phí thấp hơn tới 95% so với các dịch vụ truyền thống.
Trước khi Dongbu và Sentbe hợp tác, Chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật Giao dịch Ngoại hối để hợp pháp hóa hoạt động chuyển tiền bằng Bitcoin, tiếp tục tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường và ngành công nghiệp Bitcoin tại Hàn Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 18-7-2017. Theo quy định của Hàn Quốc, các công ty công nghệ tài chính (fintech) muốn cung cấp dịch vụ chuyển tiền bằng Bitcoin, chỉ cần đăng ký với Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS) của Chính phủ và tuân thủ các yêu cầu như vốn góp đạt tối thiểu 2 tỷ won (khoảng 1,77 triệu USD) và nợ không vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu.

Trước đó, đầu tháng 4-2017, việc dùng đồng tiền điện tử tại Nhật Bản đã được chấp thuận thông qua một đạo luật được ban hành bởi Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản. Ngay sau đó, 2 tập đoàn bán lẻ Bic Camera và Recruit Lifestyle đã bắt tay hợp tác với sàn giao dịch Bitcoin.
Tiếp theo, Peach Aviation đã trở thành hãng hàng không đầu tiên chấp nhận thanh toán vé máy bay bằng Bitcoin và chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn của Marui cũng tiếp nối xu hướng này, trở thành chuỗi cửa hàng lớn đầu tiên ở Nhật chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số để thanh toán. Theo sàn giao dịch Coincheck, tính đến hết tháng 6-2017 đã có 5.000 doanh nghiệp và website tại Nhật Bản chấp nhận Bitcoin thông qua hệ thống thanh toán của Coincheck. 

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines cũng đang là một quốc gia có sự phát triển về lượng người dùng Bitcoin rất mạnh, thông qua ứng dụng được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất là Coins.ph. Ứng dụng này tập trung vào hoạt động chuyển tiền, người dùng có thể mua và bán Bitcoin trực tiếp trên ứng dụng thông qua hệ thống ATM, chi nhánh các NH, đại lý chuyển tiền, cửa hàng tiện lợi để trả các chi phí sinh hoạt như học phí, các loại hóa đơn như điện, internet, thuê nhà, nước, thẻ tín dụng và chuyển tiền đến bất kỳ đâu tại Philippines với Bitcoin.
Theo đó, một lượng lớn nhà cung cấp, nhà sản xuất như quán cà phê, nhà hàng tại thủ đô Manila và nhiều nền tảng thương mại điện tử như Pinoy và Metrodeal cũng đã thuận theo xu hướng, chấp nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin. Đến nay, trên thế giới đang có 10 quốc gia đang thử nghiệm và phát triển mạnh mẽ việc sử dụng Bitcoin trong giao dịch. Tính đến tháng 8-2017, lượng tiền cơ sở của Bitcoin được định giá hơn 71 tỷ USD, là loại tiền mã hóa có giá trị thị trường lớn nhất.
Tìm giải pháp quản lý Bitcoin ảnh 1
Nên công nhận?
Tại Việt Nam, trước nay NHNN luôn khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, vì đây là những đồng tiền chưa được công nhận. Thực tế, những rủi ro từ việc đầu tư Bitcoin luôn hiện hữu. Mới đây, trang chủ BTC-E, sàn giao dịch tiền ảo có quy mô lớn trên thế giới với mức độ bảo mật rất cao đã dừng hoạt động do quản trị viên trang này bị bắt vì tội rửa tiền.
Theo website Alexa (một website thuộc Amazon giúp xếp hạng độ phổ biến của mọi website trên bình diện toàn cầu), lượng người dùng Việt Nam truy cập vào BTC-E xếp thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Còn theo xếp hạng của website Similarweb, lượng truy cập BTC-E từ Việt Nam xếp đầu thế giới. 

Như vậy, việc sập sàn Bitcoin BTC-E đã gây hậu quả rất nặng nề tại Việt Nam với số tiền thiệt hại ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời, tại Việt Nam còn xuất hiện một hình thức là kinh doanh tiền ảo đa cấp thu hút đông đảo lượng người tham gia đầu tư với đa số người tham gia đầu tư chưa hiểu biết đầy đủ về tiền ảo và những rủi ro tiềm ẩn khi kinh doanh sử dụng tiền ảo.
Tuy vậy, với lượng người đầu tư tiền ảo, tiền điện tử trên các sàn giao dịch quốc tế đang bùng nổ và có nhiều biến tướng trong hoạt động kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam, nhiều chuyên gia đề xuất nên có chính sách quản lý các loại tiền ảo, tiền điện tử với định hướng cấm tuyệt đối hoặc chấp nhận Bitcoin như các nước đang thực hiện.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1255 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo với quan điểm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Đề án yêu cầu nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo để nhận diện, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. 

Tuy nhiên, cho đến khi có luật chính thức vẫn chưa thể kết luận Bitcoin có được công nhận tại Việt Nam hay không. Theo các chuyên gia, nếu cấm Bitcoin, người tham gia chơi Bitcoin sẽ vi phạm pháp luật và xử lý theo quy định của pháp luật nhưng sẽ đẩy việc đầu tư Bitcoin vào hoạt động ngầm với nhiều rủi ro. 

Các tin khác