Vẫn nhập nhằng quản trị, điều hành nhà băng

(ĐTTCO) - Thông tư 13/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019, được nhiều đại diện ngân hàng thương mại (NHTM) và các chuyên gia tài chính kỳ vọng sẽ thay đổi căn bản chức năng giám sát, điều hành, đặt HĐQT đúng vị trí giám sát, không tham gia can thiệp điều hành như trước.

Thuận nhưng khó thông
Thực tế, sự nhập nhằng, chồng chéo giữa vai trò giám sát của HĐQT với điều hành của một NHTM đã diễn ra từ lâu trong hệ thống NH Việt Nam. Sự can thiệp quá mức của các thành viên HĐQT, đặc biệt chủ tịch HĐQT, vào quyền điều hành NH là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ đại án NH những năm gần đây như Phạm Công Danh của VNCB, Hà Văn Thắm của Oceanbank, Trầm Bê của Sacombank…
Để khắc phục tình trạng này và tiến tới thông lệ quốc tế, Thông tư 13 đã giành hẳn Chương II (từ Điều 8 đến Điều 13), quy định về giám sát của quản lý cấp cao. Theo đó, từ 1-1-2019, cơ cấu tổ chức giám sát của HĐQT, HĐTV của NHTM chỉ có Ủy ban quản lý rủi ro, Ủy ban nhân sự và các ủy ban khác (nếu cần thiết) để giúp HĐQT, HĐTV thực hiện giám sát của quản lý cấp cao. Trong khi đó, tổng giám đốc (giám đốc) phải thành lập Hội đồng rủi ro, Hội đồng ALCO và Hội đồng quản lý vốn để đề xuất, tham mưu cho tổng giám đốc (trước đây ở nhiều NHTM các hội đồng này thường do HĐQT thành lập).
Trong 3 hội đồng trên, Hội đồng ALCO và Hội đồng quản lý vốn có chủ tịch là tổng giám đốc (giám đốc), hoặc người điều hành khác tại trụ sở chính và thành viên khác thuộc các bộ phận có liên quan theo quy định nội bộ của NH. Đặc biệt, Điều 15 quy định rõ: “Thành viên HĐQT, HĐTV không tham gia xem xét, phê duyệt các quyết định có rủi ro thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổng giám đốc (giám đốc), trừ trường hợp thành viên HĐQT, HĐTV là tổng giám đốc (giám đốc)”. 
Vẫn nhập nhằng quản trị, điều hành nhà băng ảnh 1 Sự nhập nhằng trong điều hành và quản trị NH đã đưa ông Trần Phương Bình vào vòng lao lý. 
Song vướng mắc của các NHTM khi triển khai các quy định trên là HĐQT của một số NH đã thành lập các ủy ban có chức năng, nhiệm vụ tương tự các hội đồng mà tổng giám đốc có trách nhiệm thành lập; trách nhiệm trong trường hợp tổng giám đốc là thành viên HĐQT; xử lý thế nào đối với trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu HĐQT phê duyệt; như thế nào được hiểu là các quyết định rủi ro thuộc thẩm quyền của tổng giám đốc do HĐQT quyết định…

Vắng bóng ủy viên HĐQT độc lập
Mặc dù đánh giá Thông tư 13 đã định hình khá rõ ràng vai trò quản trị của HĐQT, nhưng một chuyên gia tài chính nêu ra 2 điểm Thông tư 13 chưa đề cập đến rõ ràng: vai trò của thành viên HĐQT trong Hội đồng tín dụng (HĐTD) và vai trò của thành viên ủy viên HĐQT độc lập.
HĐTD của các NHTM hiện có chức năng xét cấp tín dụng, phê duyệt hạn mức tín dụng vượt hạn mức quyết định của các ban tín dụng tại chi nhánh; xem xét tái cấu trúc lại khoản nợ theo đề xuất của các bộ phận chuyên môn; xem xét việc miễn giảm lãi, phí liên quan đến tín dụng… Từ trước đến nay, việc thành viên HĐQT tham gia, thậm chí làm chủ tịch hội đồng này khá phổ biến. Như trường hợp ông Trần Phương Bình vừa là Phó Chủ tịch HĐQT, vừa Chủ tịch HĐTD NH Đông Á, đã khiến một số quyết định của HĐTD tiêu cực, trái pháp luật, trái tiêu chuẩn quản trị rủi ro của NH vì chủ ý của cá nhân HĐQT. Vì thế, Thông tư 13 nên có những quy định rõ ràng về việc thành viên HĐQT không được là thành viên của HĐTD.
Về vai trò của thành viên ủy viên HĐQT độc lập, theo lý thuyết được hiểu là độc lập với ban điều hành, độc lập với các cổ đông chi phối, có quyền kiểm soát với cổ đông lớn. Một số nước đã có quy trình để đảm bảo các thành viên độc lập phải được đề cử bởi các tổ chức độc lập, hoặc các tổ chức đại diện cho cổ đông nhỏ, cổ đông thiểu số. Trong khi đó tại Việt Nam, trong nhiều NHTMCP, cá nhân được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập thường do giới thiệu ứng cử bởi HĐQT, hay các cổ đông chi phối, cổ đông có quyền kiểm soát, cổ đông lớn. Vai trò của các ủy viên HĐQT độc lập rất mờ nhạt. 
 Thành viên HĐQT độc lập  không có quyền gì, luôn bị áp đảo bởi 5, 6 thành viên khác. Trong một cuộc họp, dù không đồng tình hoặc phản đối, ý kiến của họ cũng không được ghi vào biên bản. Thường bị trong tình thế bắt buộc phải ký vào biên bản với kết luận HĐQT đã thống nhất quyết định… Do vậy rất cần có quy định rõ về thẩm quyền của vị trí ủy viên HĐQT độc lập, để tăng tính giám sát theo mục tiêu của Thông tư 13.
Nhận xét một cựu Ủy viên HĐQT độc lập 

Các tin khác