Vàng có còn hấp dẫn?

(ĐTTCO) - Giá vàng thế giới phá mốc 1.300USD/ounce và ngày càng đi lên, cộng với động thái mua vào của các NH Trung ương trong năm 2018, đã khiến kênh đầu tư này tạo sự quan tâm lớn. Tuy nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa với hoạt động đầu tư trên thị trường thế giới. Còn tại thị trường trong nước, giá vàng không chỉ đi ngang, mà còn giảm về mức thấp hơn, khiến nhà đầu tư trong nước cẩn trọng hơn kênh đầu tư này. 

Vàng có còn hấp dẫn?
Thị trường thế giới biến động mạnh
Ngày 27-2, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.328,7USD/ounce, tăng so với phiên giao dịch trước đó 0,8USD/ounce. So với đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng hơn 1,8%, tương đương 23,5USD/ounce.
Theo nhận định của Phòng Kinh doanh Vàng thuộc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng thế giới trong phiên giao dịch khá vững, sau khi ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), tái khẳng định quan điểm kiên nhẫn trong lộ trình tăng lãi suất. Lãi suất có mối liên hệ trực tiếp với giá vàng, khi lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng và tạo sức ép lên đồng USD.
 Với nhà đầu tư trong nước, vàng vẫn là kênh kén chọn đầu tư. Muốn tham gia, nhà đầu tư phải cân nhắc về khả năng chịu lỗ, cân đong danh mục đầu tư và muốn có lợi nhuận phải quan tâm đến những thông tin như phân tích kỹ thuật, thông tin kinh tế, chính trị thay vì đầu tư theo phong trào.
TS. Bùi Quang Tín,
Trường Đại học NH TPHCM 
Theo các chuyên gia, dữ liệu về niềm tin tiêu dùng mạnh hơn dự kiến đang tạo sức ép lên giá vàng. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện trong tuần này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu lên triển vọng về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Trước đó, nhà phân tích thị trường Jeffrey Halley, cho rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc gia hạn thời hạn tăng thuế đã khiến đồng USD xuống giá, qua đó đẩy giá vàng đi lên. Chuyên gia này cho rằng giá vàng tại châu Âu và New York có thể chịu sức ép từ thị trường chứng khoán, nhưng sẽ không có bất kỳ sức ép nào đáng kể cho đến khi có diễn biến mới về đàm phán thương mại Mỹ-Trung. 
Việc giá vàng vượt mốc 1.300USD/ounce nhận được nhiều đánh giá sẽ thúc đẩy nhu cầu vàng năm 2019 gia tăng đồng thời kích hoạt các lệnh mua tự động trong dài hạn. Nếu kết thúc quý I, mức giá này vẫn được duy trì, dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức và cá nhân có khả năng lớn đổ vào kênh vàng. Trong năm 2018, vàng cũng được các NH trung ương các nước mua vào với số lượng lớn.
Theo số liệu do Hội đồng Vàng Thế giới, các NH trung ương toàn cầu đã mua tổng cộng 341,3 tấn vàng. Trong đó NH Quốc gia Ba Lan tăng trữ lượng vàng từ mức 13,7 tấn lên 116,7 tấn; NH Trung ương Hungary tăng 10 lần dự trữ vàng lên 31,5 tấn; NH Trung ương Mông Cổ mua 12,2 tấn vàng trong 8 tháng năm 2018; Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan tiếp tục xây dựng trữ lượng vàng trong năm 2018.
Sau 8 năm vàng im hơi lặng tiếng, những diễn biến nói trên dẫn đến nhiều dự báo sẽ có làn sóng mới về đầu tư trên thị trường thế giới. Bởi ngoài những diễn biến địa chính trị, diễn biến bong bóng từ bất động sản đến chứng khoán hay các kênh đầu tư khác quá cao, khiến nhà đầu tư muốn thay đổi khẩu vị, tìm đến hầm trú ẩn an toàn là vàng.

Thị trường trong nước yên ắng
Mở cửa sáng 27-2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mức 36,88-37,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng 20.000 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối giờ chiều hôm trước. DOJI niêm yết ở mức 36,95-37,05 triệu đồng/lượng, tăng 30.000 đồng so với hôm trước.
Theo quy đổi, giá vàng thế giới có giá tương đương 37,05 triệu đồng/lượng, bằng với giá vàng trong nước. Tuy nhiên, vào buổi chiều, giá vàng đã được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm. Theo đó, DOJI giảm giá vàng miếng về mức 36,92-37,02 triệu đồng/lượng; SJC điều chỉnh giá vàng giảm xuống mức 36,85-37,07 triệu đồng/lượng. Diễn biến này đã đẩy giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới 30.000 đồng/lượng.
Điều này không quá bất ngờ vì gần đây giá vàng trong nước đã có nhiều phiên niêm yết giá thấp hơn so với giá vàng thế giới. Trước đó, vào ngày 14-2, giá vàng SJC đã tăng vọt lên 36,8-37,5 triệu đồng/lượng nhưng không giữ được lâu, chỉ trong vòng nửa tháng đã mất 500.000 đồng/lượng. Thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn thiên về xu hướng nắm bắt thêm các kênh thông tin để chờ cơ hội, trong khi những nhà đầu tư nhỏ lẻ có bán vàng ra. 
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không ảnh hưởng nhiều đến thị trường vàng. Yếu tố tác động không nhỏ thị trường vàng thế giới và Việt Nam là sự dao động của giá trị các đồng tiền trên thế giới.
Cụ thể, quý II-2019, nếu đồng USD giảm giá, chắn chắn vàng sẽ tăng giá. So với các kênh đầu tư khác, vàng không sinh lợi nhiều (trong 16 năm qua chỉ tăng giá 8,6%) nhưng đây là kênh đầu tư có thanh khoản cao. Một nhà đầu tư ở TPHCM chia sẻ, kể từ khi NHNN chống vàng hóa đến nay, dù giá vàng thế giới có nhiều biến động nhưng không còn tác động mạnh, tạo ra sự tăng ảo như trước đây.
Năm 2018, có thời điểm giá vàng thế giới dao động mạnh do những biến động địa chính trị với biên độ khoảng 200USD/ounce, nhưng giá vàng trong nước hầu như không đổi trong cả năm. Do đó, tài sản vàng thời điểm này không còn nhiều sức hút đối với những người muốn đầu cơ, mà chỉ dành nhà đầu tư muốn nắm giữ tài sản có thanh khoản cao.

Các tin khác