Vay tiêu dùng - Cần khách quan và sòng phẳng

(ĐTTCO) - Nhiều người đang bị ấn tượng xấu về mức lãi suất cao khi vay tiêu dùng từ các công ty tài chính (CTTC) mà quên mất khía cạnh ngược lại, bởi nếu không vay từ các CTTC thì những người không có tài sản thế chấp, không có thu nhập cố định khó có thể vay được từ các nguồn khác.

Bản chất lãi suất cho vay tiêu dùng 
Trong hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, CTTC đã cung cấp các khoản vay tiêu dùng cho gần 20 triệu khách hàng. Đáng chú ý gần một nửa trong số đó là những người chưa từng có lịch sử tín dụng, chưa từng giao dịch tài chính chính thống, và gần như chắc chắn sẽ bị ngân hàng từ chối cung cấp khoản vay vì không có tài sản thế chấp, cũng như không chứng minh được thu nhập.
Chúng ta không thể đòi hỏi CTTC cho vay các đối tượng rủi ro cao với lãi suất cho vay lại thấp như ngân hàng, vì lãi suất cho vay phải tuân theo nguyên tắc rủi ro lớn lợi nhuận phải cao để bù đắp. Hiện có nghịch lý trong tư duy của nhiều người khi nói đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng vẫn lấy ngân hàng làm chuẩn để so sánh lãi suất, trong khi trên thực tế phân khúc hoạt động của ngân hàng và CTTC rất khác nhau.
TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN,
Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội
Với những đối tượng này, vay tiêu dùng từ các CTTC là cứu cánh duy nhất để họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay một cách chính thức, được pháp luật bảo hộ, hoàn toàn minh bạch với thủ tục nhanh gọn, đơn giản, thậm chí được giải ngân ngay trong ngày, mà không một ngân hàng nào dám làm. Không chỉ giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân cấp bách, vay tiêu dùng còn là phương thức hữu hiệu để những người có thu nhập trung bình và thấp tích lũy tài sản, từng bước cải thiện đời sống gia đình. 
Tất nhiên, khi các CTTC chấp nhận cho vay đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng đầy rủi ro như thế, họ cũng buộc phải đặt ra mức lãi suất cao để phòng ngừa nguy cơ khách hàng thanh toán chậm, thiếu hoặc thậm chí là mất khả năng thanh toán.
Và chính mức lãi suất cao đã khiến nhiều người chưa am hiểu về tài chính tiêu dùng đã ấn tượng xấu đối với hình thức vay vốn này, đánh đồng tài chính tiêu dùng với các loại hình tài chính phi chính thức như tín dụng đen, hụi… trong khi “quên” mất những lợi ích to lớn của vay tiêu dùng đối với cả khách hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. 
Cũng cần nói thêm rằng, lãi suất cho vay của các CTTC tiêu dùng không cố định với tất cả các đối tượng khách hàng. Cụ thể, các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có thể chứng minh thu nhập, từng vay nhiều lần và trả nợ đúng hạn, sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ 20-22%/năm. Ngược lại, các khách hàng có lịch sử thanh toán chậm hoặc không thanh toán các khoản nợ trước đó, có thể phải chịu mức lãi suất cao hơn nhiều, thậm chí không được cấp duyệt khoản vay. 
Một lý do nữa khiến lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC không thể đẩy xuống mức ngang với các ngân hàng thương mại vì các CTTC bị pháp luật quy định chặt chẽ hơn trong việc huy động vốn, lại phải tốn nhiều chi phí để vận hành bộ máy lớn do các khoản vay thường rất nhỏ (chủ yếu dưới 30 triệu đồng), khách hàng rải rác khắp các tỉnh thành, thời gian thu hồi vốn dài (có thể lên tới 36 tháng), tỷ lệ ký quỹ cao…  
Nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng
Có thể thấy, thay vì chỉ tập trung vào mức lãi suất và đòi hỏi các CTTC phải hạ lãi suất ngang với ngân hàng, thì người vay tiêu dùng cần cái nhìn khách quan và sòng phẳng, hơn để đánh giá tổng thể những gì mà lĩnh vực này đã và đang mang lại cho cá nhân khách hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, để làm được điều này 2 yếu tố quan trọng nhất là hành lang pháp lý và truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân vay tiêu dùng. 
Vay tiêu dùng - Cần khách quan và sòng phẳng ảnh 1 Tư vấn cho khách hàng vay tiêu dùng tại FE Credit. 
Cụ thể, hành lang pháp lý mặc dù đã tương đối đầy đủ, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật vẫn bị đánh giá quá khắt khe đối với các CTTC, đặc biệt là các quy định về thành lập mới. Đây được coi là nguyên nhân mà thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá mới chỉ khai thác khoảng 1/4 tiềm năng và có thể đạt tới quy mô hàng trăm tỷ USD trong vài năm tới, nhưng hiện mới chỉ có chưa đầy 20 CTTC được cấp phép hoạt động.
Bên cạnh đó, các quy định về huy động vốn, quy định về thành lập các chi nhánh, vận hành hệ thống, phê duyệt các khoản vay dù rất nhỏ, nhưng cũng đầy đủ quy trình như những khoản vay lớn tại các ngân hàng thương mại… khiến gia tăng chi phí đầu vào. Chính những điều đó khiến lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC bị cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại. Chỉ khi các cơ quan quản lý nhà nước “nới lỏng” một số quy định này, tài chính tiêu dùng mới có hy vọng giảm gánh nặng chi phí và hạ lãi suất cho vay. 
Còn vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức, mặc dù có vai trò rất quan trọng nhưng mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, do các CTTC tự thực hiện thông qua các cuộc hội thảo dành cho công nhân, phụ nữ nghèo, những buổi tư vấn tại chỗ hay phát tài liệu tại các siêu thị, trung tâm điện máy…
“Nhận thức về vay tiêu dùng của người dân còn hạn chế, văn hóa vay tiêu dùng còn lạ lẫm với phần lớn người dân, nên việc các CTTC gặp nhiều khó khăn là điều khó tránh khỏi” - TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV chia sẻ. 
Đề cập đến biện pháp giải quyết, TS. Lực cho rằng nếu chỉ có các CTTC tự triển khai việc tư vấn, giải đáp thắc mắc cho khách hàng thì chưa đủ và mới chỉ mang tính chất giải quyết phần ngọn. Thay vào đó, việc giáo dục, nâng cao nhận thức, văn hóa vay tiêu dùng của người dân cần sự tham gia của các cơ quan nhà nước có liên quan. 
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần đưa tài chính tiêu dùng vào chương trình học đường để mỗi công dân đều có nền tảng cơ bản về tài chính tiêu dùng, hay nói đơn giản là chi tiêu cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, việc đưa tài chính tiêu dùng vào nhà trường, đặc biệt là các trường tiểu học, trung học là một việc làm không hề dễ dàng, bởi ngay cả những trường đại học chuyên ngành như Kinh tế quốc dân cũng chỉ có rất ít giờ học liên quan đến lĩnh vực này. 
Có thể thấy, vay tiêu dùng không chỉ được định nghĩa bởi lãi suất cao, mà còn là đòn bẩy tài chính cá nhân nói riêng và là động lực của nền kinh tế nói chung.  Tuy nhiên, việc đến bao giờ vay tiêu dùng mới được đánh giá một cách khách quan và sòng phẳng vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. 

Các tin khác