Việt Nam vẫn khó giảm lãi suất

(ĐTTCO)-Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất đồng USD, ngân hàng trung ương (NHTW) nhiều nước đã bắt đầu tham gia làn sóng giảm lãi suất. Tuy nhiên, dự báo xu hướng này không ảnh hưởng đến Việt Nam, đồng nghĩa sẽ không có đợt điều chỉnh giảm lãi suất đại trà như các nước.

Việt Nam vẫn khó giảm lãi suất
Làn sóng giảm lãi suất toàn cầu
Ngày 2-7, NH Dự trữ Australia (RBA) giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25%, nối tiếp đợt giảm từ tháng 6, xuống mức thấp 1% nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giảm thất nghiệp và nâng lương. Sau đó, NHTW Chile giảm lãi suất từ mức 3% xuống 2,5%; NHTW Iceland cũng lần thứ 2 trong năm giảm 0,25% lãi suất xuống còn 3,25%.
Trong cuộc họp ngày 25-7, Hội đồng Điều hành NHTW châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở các mức thấp lịch sử. Lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn, cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi lần lượt ở mức 0% và 0,25%.
Làn sóng giảm lãi suất tiếp tục lan nhanh đến khu vực châu Á. Ngày 7-8, 3 NHTW gồm Ấn Độ, Thái Lan và New Zealand cắt giảm mạnh lãi suất. Theo đó, NH Dự trữ New Zealand (RBNZ) giảm lãi suất 0,5%, gấp 2 lần so với dự báo, đã đẩy mức lãi suất chuẩn xuống 1%, thấp nhất trong lịch sử.
Trong khi đó, NHTW Ấn Độ (RBI) hạ lãi suất 0,35%, từ 5,75% xuống 5,4%, giảm sâu hơn mức dự báo 5,5%. Còn NHTW Thái Lan (BoT) cũng thông báo hạ lãi suất cơ bản 0,25%, từ 1,75% xuống 1,5% để chống đỡ triển vọng kinh tế suy yếu trong môi trường lạm phát yếu. 
Ngày 8-8 NHTW Philippines (BSP) tiến hành hạ lãi suất cơ bản đồng Peso để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh lạm phát thấp và nền kinh tế đuối sức do ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm đã giảm 0,25% xuống 4,25%. Động thái này bắt nguồn từ tác động lan truyền từ chiến tranh thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gây sức ép lớn cho các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. 

Trong nước khó biến chuyển 
 Việt Nam, muốn giảm lãi suất phải sử dụng biện pháp đồng bộ là tăng lượng trái phiếu doanh nghiệp giảm áp lực vốn trung hạn cho các NHTM. Còn nếu cả vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của nền kinh tế tiếp tục dựa vào NHTM, việc giảm lãi suất tiếp tục gặp khó khăn.
TS. Trần Du Lịch
Trả lời câu hỏi về việc các nền kinh tế lớn thi hành chính sách nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất có tác động đến chính sách tiền tệ của Việt Nam, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ không thay đổi.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, dù chu kỳ giảm lãi suất toàn cầu đang nóng dần, Việt Nam cũng chưa có biến chuyển gì đến hết năm 2019. NHNN Việt Nam sẽ hoàn tất quá trình nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống NH, duy trì thanh khoản ngắn hạn dồi dào nhằm hạ chi phí vay mượn ngắn hạn, thay cho việc mạnh tay giảm lãi suất điều hành dài hạn do rủi ro tăng giá tài sản vẫn còn.
Phía NHNN cũng cho biết, động thái giảm lãi suất của FED là cơ hội để Việt Nam ổn định tỷ giá và giảm lãi suất. Song trước mắt, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất ổn định, theo dõi diễn biến về cung cầu vốn, thanh khoản của các NH, chờ điều kiện thuận lợi sẽ bơm tiền qua thị trường liên NH để giảm áp lực huy động vốn, từ đó kéo lãi suất huy động xuống để có thể giảm lãi suất cho vay đại trà. 
Nhìn tổng thể 2 năm qua, có thể thấy nỗ lực để kéo giảm lãi suất của ngành NH gặp cản trở do nhiều NH vẫn chưa đạt được các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo thông lệ quốc tế.
Chính vì vậy, NHNN định hướng ổn định lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất, nhưng báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, lãi suất tiền gửi bình quân tăng lên 5,25% (năm 2017 là 5,11%), lãi suất cho vay bình quân tăng lên khoảng 8,91% (năm 2017 là 8,86%). Do đó, việc giảm lãi suất mới chỉ là bước đi rất nhỏ theo lộ trình chung của chính sách tiền tệ các nước để hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên.
Thống kê của NHNN về lãi suất trong tuần đầu tháng 8-2019 cũng cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 4,5-6%/năm.
Nếu so với lãi vay của các nước, doanh nghiệp Việt Nam phải vay vốn với lãi suất cao hơn rất nhiều. Khoảng cách này càng lớn hơn khi các nước vẫn đang tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhưng có lẽ đây là điều phải chấp nhận, do đặc thù của hệ thống NH Việt Nam. 

Các tin khác