Cách mạng hóa ngành tạp hóa

(ĐTTCO) - Nuro và Robomart là 2 công ty trẻ nghiên cứu và phát triển những sản phẩm về trí tuệ nhân tạo (AI) và robotics. Vừa qua, cả 2 công ty đã phát triển dòng sản phẩm xe giao hàng không người lái phục vụ cho ngành công nghiệp tạp hóa, thay thế cho việc mua sắm truyền thống tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và cửa hàng tiện lợi.

Công ty Nuro ra đời vào năm 2016 với 2 nhà sáng lập là Dave Ferguson và Jianjun Zhu. Dave và Jianjun còn dẫn dắt Nuro tham gia những cuộc thi công nghệ toàn cầu và đoạt giải như DARPA Urban Challenge, DARPA Robotics Challenge, và ImageNet.
Với mục tiêu mang những lợi ích của robotics ngày càng gần hơn với cuộc sống thường ngày, Nuro đã thiết kế một loại xe điện giao hàng không người lái trong khu vực địa phương. Mô hình được thiết kế dựa trên những tính năng nhanh chóng, an toàn, thân thiện với môi trường và mức giá hợp lý cho người tiêu dùng.
Chiếc xe được thiết kế linh hoạt cho mọi mặt hàng từ thực phẩm cho đến hóa mỹ phẩm, đảm bảo sự an toàn về phía sản phẩm và cả an toàn giao thông trong suốt chặng đường. Nuro đã cho mô hình này chạy trong một chương trình thí điểm tại thành phố Scottdale thuộc tiểu bang Arizona, Mỹ. Đối tác của Nuro chính là chuỗi siêu thị Fry’s Food có trụ sở tại Tolleson, Arizona. Người tiêu dùng chỉ việc truy cập vào trang chủ của Frysfood.com hoặc tải ứng dụng của Fry’s Food về điện thoại và bắt đầu mua sắm tại nhà với mức giá giao hàng 5,95USD trong khu vực Scottdale.
Cách mạng hóa ngành tạp hóa ảnh 1 Xe giao hàng không người lái của Robomart. 
Trong khi đó, Robomart ra đời sau Nuro 1 năm với sự cộng tác của các doanh nhân Ấn Độ Ali Ahmed, Tigran Shaverdyan, Emad Rahim và chuyên về lĩnh vực: phương tiện không người lái, giao hàng theo yêu cầu và hoạt động bán lẻ. Robomart đã xây dựng một hệ thống cửa hàng dễ dàng tiếp cận nhất với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi chỉ với một cú nhấp.
Robomart được thiết kế với những công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ không người lái (điều khiển từ xa), công nghệ nhận dạng qua qua tần số vô tuyến (RFID), hệ thống theo dõi dựa vào hình ảnh, hệ thống kiểm soát nhiệt độ bên trong xe. Khách hàng chỉ việc yêu cầu Robomart gần nhất, khi chiếc xe đến khách hàng lựa chọn sản phẩm cần mua và thanh toán bằng thẻ ngân hàng trên ứng dụng điện thoại. 
Robomart sử dụng hệ thống đồng bộ hóa “Grab and Go” được phát triển bởi Apple để theo dõi quá trình mua sắm của khách hàng. Các chuyên gia đã chế tạo Robomart để trở thành một trong những phương tiện an toàn với tốc độ tối đa của xe điện 40 km/giờ.
Lộ trình của Robomart sẽ không nằm trong khu vực đường cao tốc, luôn ưu tiên cho người đi bộ, người đi xe đạp và các phương tiện giao thông khác. Các chuyên gia cũng đã phát triển chương trình thí điểm cho Robomart vào mùa xuân 2019 với chuỗi cửa hàng Stop & Shop tại Boston, Massachusetts - có 61.000 nhân viên và 400 cửa hàng ở Massachusetts, New York, Connecticut và New Hampshire.
Nuro và Robomart là những công ty đang cạnh tranh dịch vụ tiện ích (giao hàng tận nhà) với những thương hiệu lớn như Amazon, eBay, Alibaba, Gmarket… đang ngày càng phát triển và mở rộng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, Amazon đã tạo ra công cụ Amazon Prime - một trong những chiến lược kinh doanh để tăng sức cạnh tranh với nhiều kênh bán lẻ truyền thông khác - gói nâng cấp thành viên Prime cho phép khách hàng của Amazon nhận hàng miễn phí trong vòng 2 ngày với hầu hết các sản phẩm với mức phí 99USD/năm hay 10,99USD/tháng dành cho thành viên VIP. Tuy nhiên, sự ra đời của Nuro và Robomart đã đặt ra một dấu chấm hỏi cho tương lai của Amazon Prime, đồng thời tạo ra một bước ngoặt cho ngành công nghiệp bán lẻ toàn cầu.

Các tin khác