Châu Âu đẩy mạnh áp thuế kỹ thuật số

(ĐTTCO) - Trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố các công ty kỹ thuật số sẽ không được phép trốn thuế bằng cách định tuyến lợi nhuận qua các thiên đường thuế.

Ông Steinmeier nhấn mạnh, nếu muốn thu lợi tức từ việc số hóa các công ty cần phải đầu tư để chuẩn bị cho một thị trường lao động mới trong tương lai. Và cuộc đầu tư này chỉ có thể được cấp vốn nếu các công ty kỹ thuật số không trốn tránh trách nhiệm nộp thuế của mình.
Cũng theo Tổng thống Đức, để tài trợ cho quá trình chuyển giao kỹ thuật và giúp mọi người chuẩn bị một thị trường lao động, châu Âu sẽ đầu tư tập trung và nhiều hơn vào giáo dục, đảm bảo điều kiện làm việc tốt và các chính sách thị trường lao động tích cực. Cũng trong phát biểu mới đây, Bộ trưởng Phát triển Liên bang Đức Gerd Mueller cũng cho rằng các công ty internet khổng lồ như Google, Facebook và Amazon vẫn đang kiếm được những khoản lợi nhuận khủng, nhưng đến nay hầu như không phải trả bất cứ khoản thuế nào ở châu Âu.
Châu Âu đẩy mạnh áp thuế kỹ thuật số ảnh 1 Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. 
 Trong năm 2018, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất áp thuế thu nhập doanh nghiệp đặc biệt đối với các công ty kỹ thuật số tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), với lý do các công ty này nộp thuế tại quốc gia EU mà họ đặt trụ sở với mức rất thấp, cũng như không phải trả thuế tại các quốc gia mà họ đang hoạt động mạnh.
Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước EU. Nhóm phản đối áp mức thuế mới do Ireland dẫn đầu cho rằng, thuế mới sẽ dẫn đến những hành động trả đũa nhằm vào doanh nghiệp châu Âu từ phía Mỹ và đánh mất nguồn thu từ khoản đầu tư cũng như cản trở sự sáng tạo.
Tuy nhiên, Pháp và Đức cho rằng việc nâng thuế là hợp lý. Ngoài Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Anh đã sẵn sàng áp dụng kế hoạch thuế nhằm vào các công ty công nghệ. Trả lời phỏng vấn của báo Spiegel, Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Olaf Scholz cho biết chính phủ Đức sẽ làm việc theo thỏa thuận quốc tế, đồng thời hy vọng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gồm cả Mỹ, sẽ nhất trí về việc áp mức thuế tối thiểu đối với các công ty kỹ thuật số vào năm 2020.
Trước đó, Chính phủ Pháp đã nhất trí đề xuất dự luật đánh thuế 3% thu nhập tại Pháp của Google, Amazon và Facebook. Mức thuế mới sẽ áp dụng đối với các công ty kỹ thuật số có thu nhập toàn cầu hơn 850 triệu EUR và thu nhập tại Pháp đạt hơn 25 triệu EUR. Dự luật trên được xem là một cách để giải quyết tình trạng các công ty đa quốc gia trốn thuế.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ước tính thuế mới sẽ giúp thu về 500 triệu EUR/năm trong năm nay, và con số này sẽ tăng lên nhanh chóng. Khoảng 30 công ty, hầu hết có trụ sở tại Mỹ, nhưng hoạt động ở cả châu Âu và Trung Quốc, sẽ là đối tượng bị điều chỉnh bởi dự luật này. Tuy nhiên, mức thuế mới sẽ không ảnh hưởng tới các công ty trực tiếp bán sản phẩm trên mạng internet. Chủ yếu các công ty sử dụng dữ liệu của người dùng để bán quảng cáo online sẽ bị đánh thuế. 
Pháp sẽ là nước châu Âu đầu tiên áp dụng loại thuế trên nếu dự luật này được Quốc hội thông qua trong vài tháng tới. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, chính phủ dự định thúc đẩy một thỏa thuận quốc tế trong năm nay giữa các nước thuộc OECD. Phản ứng trước dự luật mới, Hiệp hội công nghiệp máy tính và thông tin Pháp đã lên tiếng chỉ trích biện pháp trên, cho rằng cách đánh thuế này sẽ làm gia tăng chi phí của các công ty Pháp và cả người tiêu dùng nước này.

Các tin khác