Châu Âu “mất ngủ” vì khủng hoảng chính trị Đức

(ĐTTCO) - “Khủng hoảng chính trị lớn tại Đức” là tựa trang nhất nhật báo Le Monde và cũng là chủ đề chính của nhiều tờ báo khác trong vài ngày qua sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thất bại trong cuộc thương lượng thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Cuộc khủng hoảng ở Đức đang khiến châu Âu rất lo lắng.
 
Bão chính trị
Sự kiện được chú ý khi đêm 19-11, khi đảng Dân chủ tự do (FDP) quyết định ngừng đàm phán với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và đảng Xanh để thành lập một chính phủ liên minh. Bế tắc chính trị này có thể dẫn tới hậu quả bà Merkel phải rời bỏ quyền lực nắm giữ từ 12 năm qua.
Tờ Le Monde ghi nhận trong quá khứ, bà Merkel đã tỏ ra là người có tài thỏa hiệp, nhưng lần này đã thất bại, không thể tập hợp được một chính phủ đa số sau khi đảng của bà thắng cử. Cụm từ lặp lại ở nhiều tờ báo đó là nước Đức giữa cơn bão chính trị, một cơn bão chính trị có tác động mạnh đến cả châu Âu.
 Cuộc khủng hoảng ở Đức sẽ không ảnh hưởng tới châu Âu, như chúng ta đã thấy rằng tỷ giá hối đoái ở châu Âu cho đến nay không bị ảnh hưởng quá nhiều, cũng như chỉ số DAX của Sở giao dịch Chứng khoán Franfurt. Đức có các cơ chế mạnh mẽ để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Ngay cả khi xuất hiện lời kêu gọi tiến hành bầu cử quốc hội mới, sự ổn định ở Đức cũng sẽ không bị đảo lộn.
Ông Vladislav Belov
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm khoa học Nga)
Trong bài mang tiêu đề “Châu Âu lo sợ khoảng trống quyền lực ở Berlin”, tờ Le Monde khẳng định không có được chính phủ mới ở Đức sẽ làm chậm lại sự phục hồi kinh tế của cả Liên minh châu Âu (EU). Với góc nhìn như vậy, quả thực rối loạn ở chính trường Đức là tin rất xấu cho châu Âu. Cơn bão chính trị ở Đức xảy ra đúng lúc châu Âu đang khởi sắc trở lại, sau 10 năm không ngừng phải lo giải quyết các cuộc khủng hoảng.
Hết khủng hoảng đồng EUR đến nợ công, nối tiếp bằng cuộc khủng hoảng tị nạn, trong khi đó nhiều quốc gia thành viên phải đối mặt với các vụ khủng bố lặp đi lặp lại, rồi lại đến việc Anh rời khỏi EU (Brexit). Đúng lúc châu Âu đang hồi phục, cuộc khủng hoảng chính trị Đức hiện ra như một gáo nước lạnh đổ xuống Brussels. Không chỉ là nền kinh tế hàng đầu của EU, nước Đức còn là trọng tâm ổn định của khối và là đối tác chiến lược của Pháp trong tổng thể dự án châu Âu.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng từ 10 năm nay, người ta vẫn nhìn bà Merkel như người phụ nữ quyền lực nhất thế giới và giờ đây bỗng nhiên trở thành người bất lực nhất trong số các lãnh đạo châu Âu. Nhưng điều đáng quan tâm nữa là việc bà Merkel bất lực không thành lập được một liên minh trong chính phủ đẩy nước Đức vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ nhiều thập niên qua.
Vào thời điểm đang phải đàm phán về Brexit và lập lại nền móng cho EU, nước Đức có thể còn bị tê liệt nhiều tháng, những kế hoạch phát triển châu Âu sẽ phải chờ. Với châu Âu, cuộc khủng hoảng ở Berlin thực sự là một tin tai hại. Những ngày tới, cả châu Âu sẽ phải lo lắng theo dõi cuộc chạy đua với thời gian của bà Merkel.
Bà Merkel khẳng định không từ chức và sẵn sàng ra ứng cử, không sợ bầu cử lại nếu phải bầu lại Quốc hội. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết rõ quan điểm không muốn tổ chức bầu cử lại trong bài diễn văn đọc trên truyền hình tối 20-11: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình thế chưa từng có trong lịch sử nước Đức sau Thế chiến thứ hai. Các đảng tham gia cuộc bầu cử ngày 24-9 vừa qua chính là để đảm nhận trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trách nhiệm này không thể bị từ bỏ bằng việc cử tri phải đi bỏ phiếu lại. Tôi kỳ vọng vào thiện chí đối thoại của các đảng để có thể thành lập một chính phủ trong thời hạn hợp lý. Nếu các nhà lãnh đạo của quốc gia lớn nhất châu Âu (Đức) mà không đảm nhiệm được trách nhiệm của mình, dư luận trong nước Đức cũng như ở nước ngoài, và đặc biệt là ở các nước láng giềng, sẽ càng khó hiểu và lo lắng hơn”.
Ông Frank-Walter Steinmeier từng 2 lần giữ chức ngoại trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Merkel. Tuy nhiên, tổng thống Đức không thể áp đặt được quyết định của ông với các đảng chính trị Đức.
Châu Âu “mất ngủ” vì khủng hoảng chính trị Đức ảnh 1  Cuộc khủng hoảng ở Đức đang khiến châu Âu rất lo lắng. 
Không thể ngăn cản EU cải cách
Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski bày tỏ quan ngại thế bế tắc trong thành lập chính phủ mới tại Đức hiện nay có thể tác động tiêu cực tới tình hình quốc tế và khiến châu Âu “mất ăn mất ngủ” do tầm ảnh hưởng lớn của nước này. Ngoại trưởng Ba Lan nhận định Đức là nền kinh tế lớn nhất đồng thời có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ tại châu Âu, trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như trên toàn thế giới.
Vì vậy, việc các chính đảng nước này vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để thành lập chính phủ liên hiệp sẽ tác động tiêu cực tới tình hình quốc tế. Cũng theo Ngoại trưởng Ba Lan, các nước thành viên EU đều lo ngại nhưng cũng đã chuẩn bị các phương án hợp tác trước những diễn biến này.  
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách vấn đề đồng tiền chung EUR Vandis Dombrovskis khẳng định cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức sẽ không cản trở kế hoạch cải cách mà EU dự định triển khai sau Brexit.
Ông Dombrovskis cho rằng việc một quốc gia thành viên tổ chức bầu cử hay thất bại trong thành lập chính phủ liên minh là điều hoàn toàn có thể xảy ra, không ảnh hưởng gì tới kế hoạch chung. Trong bất kỳ trường hợp nào, EU vẫn sẽ thúc đẩy các công việc chung. Phó Chủ tịch EC tái khẳng định các đề xuất cải cách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ được công bố vào ngày 6-12 theo đúng kế hoạch ban đầu.
Trước đó, người phát ngôn của Chủ tịch EC Jean-Claude Junker cũng cho biết châu Âu sẽ không trì hoãn vì Đức. Thất bại trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh tại Đức, dẫn tới khả năng tổ chức bầu cử lại đã dấy lên nhiều lo ngại nền kinh tế đầu tàu của EU sẽ bị tê liệt ngay khi liên minh còn đang chuẩn bị khởi động kế hoạch cải cách đầy tham vọng theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Lo ngại này càng có cơ sở khi Thủ tướng Merkel, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất, góp phần tạo sức nặng cho kế hoạch này, chưa thể đảm bảo được vị trí lãnh đạo của mình tại Đức.

Sự đau đầu của bà Merkel
Việc bà Merkel thiết lập liên minh với FDP hay đảng Xanh còn ảnh hưởng lớn tới EU. Khúc mắc lớn nhất sẽ đến từ đảng dân chủ tự do FDP bởi đảng này có nhiều khác biệt sâu sắc trong chính sách về EU. Cụ thể, FDP phản đối các đề xuất của Pháp về việc tăng cường kiểm soát ngân sách hay việc lập ra một Bộ trưởng Tài chính châu Âu.
Đảng này cũng phản đối việc bơm tiền hỗ trợ các nước thành viên EU, nhất là các nước Nam Âu, và không ủng hộ việc đẩy mạnh các chính sách kích cầu thông qua đầu tư. 
Rất nhiều nhà lãnh đạo EU khác cũng e dè các quan điểm khác rất cứng rắn của FDP về ngân sách, chống chính sách tiếp nhận tị nạn, hay việc FDP muốn cải thiện quan hệ tốt đẹp hơn với Nga.
Chính vì thế, trong trường hợp FDP gia nhập liên minh với CDU-CSU, chắc chắn quan điểm và cách tiếp cận của chính phủ mới ở Đức trong các vấn đề châu Âu sẽ buộc phải thay đổi. Trong khi đó, hiện tại sau khi đảng SPD từ chối thì Liên minh CDU-CSU và bà Merkel lại gần như không có lựa chọn nào khả dĩ hơn việc liên minh với đảng Xanh và đảng FDP để thành lập chính phủ.

Các tin khác