Cuộc hợp doanh lịch sử thị trường điện gia dụng

Theo Thời báo Nhật Bản số ra ngày 13-5, Bic Camera Inc., hãng bán lẻ điện gia dụng đứng thứ 5 Nhật Bản, có thể sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Kojima Co., ở vị trí thứ 7 trên thị trường.

Theo Thời báo Nhật Bản số ra ngày 13-5, Bic Camera Inc., hãng bán lẻ điện gia dụng đứng thứ 5 Nhật Bản, có thể sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Kojima Co., ở vị trí thứ 7 trên thị trường.

Thâu tóm Kojima, Bic Camera sẽ trở thành đại gia đứng thứ hai sau gã khổng lồ Yamada Denki Co. trong bối cảnh môi trường cạnh tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Hãng Kojima - từng một thời làm mưa làm gió ở Nhật Bản - đã quyết định núp dưới cái ô lớn của một đối thủ cạnh tranh để thoát khỏi nguy cơ sụp đổ do thị trường bán lẻ đang ngày càng thu hẹp mà nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm thảm hại của nhu cầu đối với các loại tivi màn hình phẳng. Dân số Nhật Bản đang giảm là một trong những nguyên nhân tác động đến thị trường điện gia dụng hiện nay.

Người tiêu dùng chỉ ồ ạt mua tivi màn hình phẳng trước khi Nhật Bản từ bỏ hoàn toàn hệ analog chuyển sang kỹ thuật số mặt đất vào tháng Bảy năm ngoái.

Các hãng bán lẻ ở Nhật Bản cũng lao đao sau khi chính phủ nước này bãi bỏ chương trình hỗ trợ người tiêu dùng mua hoặc thay thế các loại tivi, điều hòa và tủ lạnh tiết kiệm điện. Hệ lụy của việc này là số lượng đơn đặt hàng tivi màn hình phẳng trên cả nước giảm 35,4% so với năm trước xuống còn 16.602.000 tivi trong tài khóa 2011 và các nhà phân tích công nghiệp dự đoán con số này còn tiếp tục giảm trong tương lai.

Cùng với doanh số ngày càng thu hẹp, giá tivi giảm trong bối cảnh lạm phát cũng đang gặm nhấm lợi nhuận của các hãng bán lẻ. Các sản phẩm quan trọng khác như máy tính cá nhân cũng chịu áp lực mạnh mẽ của lạm phát.

Như một hệ quả tất yếu, Bic Camera đã loại bỏ tivi khỏi gian hàng trưng bày dưới tầng 1 chi nhánh phân phối hàng điện tử ở quận Yurakucho, Tokyo, trước dịp mua sắm cuối năm. Thay vào vị trí của tivi là điện thoại thông minh và điện thoại di động.

Tại cuộc họp ban giám đốc ở trụ sở của Kojima ở Utsunomiya, tỉnh Tochigi, sáng 11/5, Chủ tịch điều hành Etsuo Terasaki đưa ra đề xuất mang tính lịch sử, thành lập liên minh kinh doanh và đầu tư với Bic Camera.

Đề xuất trên đều nhận được sự hưởng ứng của đa số thành viên trong ban lãnh đạo ngoại trừ Chủ tịch Hội đồng quản trị Toshiaki Kojima - thành viên của công ty gia đình này và là cổ đông lớn nhất tại Kojima.

Chủ tịch Toshiaki Kojima khẳng định công ty này có thể sống sót mà không cần đến bất cứ sự liên kết nào. Sau cuộc họp, Chủ tịch điều hành Terasaki cho biết: “Chúng tôi từng có một cảm nhận khác về ngành công nghiệp bán lẻ từ ngài chủ tịch. Thật đáng tiếc!”

Cách đây ba năm, Bic Camera và Kojima đã bắt đầu các cuộc đàm phán đầu tiên bàn về “liên minh trong mơ” này.

Sau khi Chủ tịch Bic Camera Hiroyuki Miyajima thông báo sẽ trở thành cổ đông chính của Kojima, cổ phiếu của Kojima và Bic Camera tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo ngày 11-5 đã quay đầu thẳng tiến sau khi có thông tin về phi vụ hợp nhất này ngay trước khi thông báo chính thức được đưa ra. Cổ phiếu của Kojima tăng 16% lên mức 420 yen/cổ phiếu trong khi Bic Camera tăng 1,3% lên 39.000 yen/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ phiếu của “đại gia” điện tử Yamada Denki sụt giảm 8% xuống còn 4.100 yen/cổ phiếu - mức thấp nhất trong năm nay do hãng có nguy cơ phải đối mặt với mối đe dọa từ một đối thủ hùng mạnh một khi liên minh Bic Camera-Kojima hình thành.

Với doanh thu 2.150 tỷ yen trong tài khóa 2010, Yamada Denki trở thành hãng bán lẻ điện gia dụng số 1 Nhật Bản. Trong khi đó, tổng doanh thu của cả Bic Camera và Kojima hợp lại chỉ đạt 1.060 tỷ yen dựa trên báo cáo tài chính mới nhất trong những năm qua. Tuy nhiên, Chủ tịch điều hành của Bic Camera Miyajima cho biết công ty của ông và Kojima sẽ chiếm vị trí số 1 về lợi nhuận trong lĩnh vực bán hàng qua Internet.

Một chuyên gia phân tích cho rằng quy mô thị trường của ngành công nghiệp bán lẻ sẽ thu hẹp hơn nữa từ 20-30% trong những năm tới và cuộc cạnh tranh khốc liệt này sẽ phân định rõ người chiến thắng và kẻ chiến bại.

Góp phần vào khó khăn của các hãng bán lẻ là tình hình kinh doanh ế ẩm của các đại gia sản xuất đồ điện tử. Trong những ngày qua, Tập đoàn Sony và Panasonic liên tiếp thông báo thông tin không mất tích cực về tình hình kinh doanh của các hãng này với các khoản lỗ kỷ lục vào cuối tài khoá 2011 vừa qua.

Các nhà phân tích công nghiệp cho rằng các đại gia sản xuất điện gia dụng sẽ kén chọn hơn khi lựa chọn đối tác bán lẻ của mình nhằm lấy lại mức doanh thu như trước đây. Các hãng bán lẻ cũng có thể phải từ bỏ hy vọng nhận được sự ủng hộ khác từ các nhà sản xuất như các nhân viên chào hàng tạm thời.

Nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Phân phối Nhật Bản (DEIJ) Tomofumi Yoshida nhận định: “Quá trình tái tổ chức của ngành công nghiệp bán lẻ vô hình trung sẽ lôi kéo các đại gia nước ngoài tham gia thị trường, cụ thể như phi vụ mua lại cổ phần của hãng bản lẻ điện gia dụng Laox khá đình đám của một công ty Trung Quốc.”

Năm 2009, Laox đã trở thành một chi nhánh của hãng bán lẻ Suning Appliance Co. đến từ “xứ sở gấu trúc.”

Do kinh tế ngày càng khó khăn, các hãng bán lẻ như Bic Camera đang rút dần các chi nhánh và bán cả các loại hàng hoá như thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm gia đình khác với hy vọng giữ vững doanh số.

Tuy nhiên, một nhà phân tích cho rằng những gì mà họ đang làm là “một cách tiếp cận hổ lốn giống như một quầy bách hóa” và những sản phẩm mới không còn là mặt hàng chiến lược đối với họ nữa. Một sự liên kết làm ăn giữa hai công ty này có thể sẽ vực dậy công việc kinh doanh đồ gia dụng.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Terasaki của Kojima cho biết công ty của ông giờ đây có thể sẽ phải đóng cửa 40-50 chi nhánh phân phối trong vòng 3 năm tới nhưng Kojima không hề có ý định sa thải nhân viên.

Các tin khác