Định giá khí thải carbon

(ĐTTCO) - Microsoft, Walt Disney và General Motors là một số cái tên nổi bật trong số hàng trăm công ty đang thực hiện định giá khí thải carbon. Đây là cơ chế các công ty phải trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường - trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. 
 
Theo báo cáo của Trung tâm Các giải pháp năng lượng và khí hậu (C2ES) đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, có hơn 700 doanh nghiệp toàn cầu đang đặt mục tiêu áp dụng định giá khí thải carbon trước năm 2018. Trong khi đó, có khoảng 500 công ty, trong đó bao gồm 80 doanh nghiệp Hoa Kỳ, đã và đang triển khai phương pháp này.  
Bob Stout, Phó Giám đốc chi nhánh tại Hoa Kỳ của Tập đoàn năng lượng Anh BP, cho biết trong bối cảnh thế giới đang ngày càng nhận thức sâu sắc về tác hại của biến đổi khí hậu, các nhà đầu tư cũng bắt đầu coi trọng khả năng thích ứng của các doanh nghiệp đối với những thay đổi về chính sách và xu hướng năng lượng trong tương lai. Biến đổi khí hậu và định giá khí thải carbon rõ ràng sẽ là hướng đi của tương lai các doanh nghiệp cần bắt đầu quan tâm từ bây giờ.
Trong khi đó, Microsoft cho rằng định giá khí thải carbon là xu thế tất yếu. Tập đoàn này cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác với các nước để hỗ trợ các chính phủ hoàn thành các mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. 
Định giá khí thải carbon ảnh 1 Nhiều chính phủ đã áp dụng biện pháp đánh thuế khí thải carbon. 
Định giá khí thải carbon là cơ chế các công ty trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh. Giới chuyên gia đánh giá đây là biện pháp có hiệu quả để giảm lượng khí nhà kính phát thải. Báo cáo của C2ES cho rằng việc thực hiện định giá khí thải carbon còn có thể giúp các doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư khi gửi đi hình ảnh về hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và tính toán trong dài hạn.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), đã có 42 chính phủ đang áp dụng hoặc có kế hoạch áp dụng các biện pháp đánh thuế khí thải carbon, hoặc có cơ chế buôn bán hạn ngạch khí thải carbon.  Hiện đã có nhiều tập đoàn năng lượng của Hoa Kỳ như ExxonMobil bày tỏ ủng hộ chương trình đánh thuế khí thải carbon hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính, được công bố và tuyên truyền rộng rãi từ hồi tháng 2.  
Theo bản kế hoạch do Hội đồng Lãnh đạo khí hậu (gồm các tập đoàn dầu lửa lớn của Hoa Kỳ cũng như các doanh nghiệp như Pepsico, General Motors và Johnson & Johnson) xây dựng, thuế carbon sẽ bắt đầu ở mức 40USD/tấn CO2  sau đó sẽ tăng dần lên. Số tiền thuế thu được sẽ được chuyển lại cho người dân Hoa Kỳ dưới dạng lợi tức. Thí dụ, ở mức thuế 40USD/tấn CO2, trung bình một hộ gia đình 4 người sẽ nhận được 2.000USD.
Theo các tác giả của bản kế hoạch, bao gồm các cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker và George Shultz cùng cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, chương trình đánh thuế mới có thể thay thế các biện pháp dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama như đặt mức trần khí thải cho các nhà máy điện sử dụng than đá và sẽ bao gồm một thuế điều chỉnh biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước không có cơ chế đánh thuế khí thải CO2. Bên cạnh đó, bằng việc trực tiếp trả tiền cho lượng khí thải carbon của mình, các doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế được việc vướng vào các vấn đề pháp lý. 
Các chuyên gia cảnh báo muốn hạn chế mức nhiệt tăng ở 2oC vào cuối thế kỷ, trước năm 2020, thế giới phải đạt được các cột mốc quan trọng. Cụ thể, hoàn thành mục tiêu năng lượng sạch cung cấp 30% lượng điện tiêu thụ toàn cầu và nghiêm cấm hoàn toàn việc thành lập thêm các nhà máy điện sử dụng than đá sau năm 2020. Nâng mức tiêu thụ xe điện từ 1% lượng xe bán ra tại thời điểm hiện tại lên 15% vào năm 2020...

Các tin khác