Giải pháp pin cũ xe hơi điện?

(ĐTTCO) - Chiến dịch thay thế xe ôtô chạy xăng, dầu diesel gây ô nhiễm không khí bằng thế hệ ôtô điện thân thiện với môi trường đang được đẩy mạnh, nhưng vấn đề xử lý pin thải loại của xe điện có thể là bài toán đầy thách thức với môi trường.
Số lượng xe hơi điện trên thế giới đã vượt mốc 2 triệu chiếc trong năm ngoái và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính sẽ có 140 triệu chiếc vào năm 2030, nếu các nước thực thi các điều khoản trong Hiệp định khí hậu Paris. Ajay Kochhar, nhà sáng lập và CEO Li-Cycle, công ty khởi nghiệp về tái chế các loại pin ở Canada, cho biết với sự bùng nổ xe hơi điện, dự kiến đến năm 2030 sẽ có 11 triệu tấn pin lithium-ion đã sử dụng cần được tái chế.
Tuy nhiên, hiện lượng pin lithium-ion được tái chế rất ít, như ở EU chỉ 5%. Các cục pin thải không chỉ gây hại môi trường, đồng thời các thành phần chính như lithium và cobalt là những tài nguyên hạn chế và việc khai thác sẽ gây hậu quả xấu cho môi trường.

Theo hãng tư vấn Roskill, hàng triệu các loại pin lithium-ion nhỏ đã được sử dụng trong mọi thứ vật dụng hàng ngày, từ điện thoại thông minh đến bàn chải đánh răng, tiêu tốn lượng tài nguyên trên 2 tỷ USD mỗi năm. Hầu như mọi cục pin đã sử dụng đều đi vào rác thải hoặc vẫn nằm trong các thiết bị không sử dụng trong nhà. Trong khi đó, pin lithium-ion dùng cho xe hơi điện lớn hơn nhiều, tuổi thọ 8-10 năm và Roskill dự đoán sẽ chiếm 90% thị trường pin lithium-ion vào năm 2025, làm nhu cầu lithium tăng gấp 4 và nhu cầu cobalt tăng gấp đôi. Từ đầu năm đến nay, giá cobalt đã tăng hơn 80%. 
Trong khi việc tái chế pin lithium-ion nhỏ cho các vật dụng gia đình không phổ biến, nhiều công ty hy vọng sự khác biệt với thị trường pin xe hơi điện. Từ năm 2006, Umicore của Bỉ là một trong số ít công ty tái chế pin lithium-ion để thu hồi kim loại qua quá trình luyện kim và tẩy rửa bằng hóa chất. Công ty đang tiến hành thí điểm dây chuyền tái chế pin xe hơi điện số lượng lớn, chuẩn bị cho nhu cầu bùng nổ xe xuất hiện trên thị trường từ năm 2025.
Giải pháp pin cũ xe hơi điện? ảnh 1 Triển lãm mô hình lắp ráp xe hơi điện. 
Tuy nhiên, vấn đề là pin lithium-ion trong xe hơi điện mỗi hãng sử dụng công thức riêng, gây khó khăn cho việc phát triển tiêu chuẩn hóa tái chế. Linda Gaines, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Vận tải, thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Hoa Kỳ, cho biết đã đến lúc phải xây dựng các nhà máy tái chế, nhưng chưa biết loại pin nào sẽ được tái chế nên cần phải chuẩn hóa công thức và thiết kế pin. Nhưng điều hiện nay chưa có tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc tái chế pin hiện chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mỗi kg pin, các công ty phải chi hơn 1USD để thu lại lượng kim loại thô trị giá 0,3USD.

Công ty OnTo Technology ở Oregon, Hoa Kỳ, đang hướng đến việc khắc phục vấn đề bằng cách sản xuất vật liệu điện cực pin trực tiếp từ pin đã sử dụng thay vì tái chế các thành phần riêng lẻ. Theo nhà sáng lập OnTo Steve Sloop, đến năm 2025, chắc chắn đây sẽ là một ngành công nghiệp mạnh mẽ. Theo Li-Cycle, để có lợi nhuận phải tái chế tất cả nguyên liệu của pin.
Công ty cho biết có thể tái chế tất cả loại pin lithium-ion và thu hồi đến 90% nguyên liệu, gồm lithium, cobalt, đồng và than chì. Ban đầu, Li-Cycle tái chế mỗi năm khoảng 5.000 tấn pin và hướng đến mục tiêu 250.000 tấn vào năm 2025. Jim Greenberger, Giám đốc NAATBatt International, một hiệp hội thương mại pin của Hoa Kỳ, cho biết: "Chính phủ sẽ không cho phép xe hơi điện kết thúc tại các bãi rác. Bởi ngày càng có nhiều xe hơi điện, sẽ có nhiều pin hết sử dụng làm gia tăng mối nguy hiểm về môi trường, tài nguyên".

Theo nghiên cứu của McKinsey mới công bố tháng 9 này, Trung Quốc tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dầu thế giới trong sản xuất xe hơi điện, chiếm 43% trong tổng số 873.000 xe sản xuất trên toàn thế giới trong năm qua, tăng từ mức 40% trong năm 2016. Các nhà sản xuất xe hơi điện hàng đầu Trung Quốc đều nằm trong top 10 nhà sản xuất xe hơi điện toàn cầu.
Với sự gia tăng nhanh chóng năng lực sản xuất, các nhà cung cấp pin lithium-ion Trung Quốc cho xe hơi điện đã tăng thị phần toàn cầu lên 25% trong năm qua, chỉ sau Nhật Bản với 48% và Hàn Quốc 27%. Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp xe hơi điện kéo theo sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của xe hơi điện, bao gồm sản xuất xe và các thành phần, như pin lithium-ion và động cơ điện. Một yếu tố quan trọng là chính phủ Trung Quốc thực hiện những chính sách tài trợ cho ngành này trong nỗ lực giảm nhập khẩu nhiên liệu, nâng cao chất lượng không khí và thúc đẩy các nhà sản xuất hàng đầu trong nước. 

Không chỉ dẫn đầu thế giới trong sản xuất xe hơi điện trong năm qua, lần đầu tiên, Trung Quốc đã vượt thị trường Hoa Kỳ về tổng số xe hơi điện lưu hành, với 650.000 chiếc. Số xe đăng ký mới tăng 70% so cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 350.000 chiếc. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ số xe hơi điện bán ra trong năm qua tăng 37%, tương đương 160.000 chiếc. Các nhà sản xuất xe hơi điện Đức và Hoa Kỳ đạt sản lượng lần lượt chiếm 23% và 17% tổng số xe sản xuất trên toàn thế giới.

Các tin khác