Hồng Công và bài toán chăm sóc người cao tuổi

(ĐTTCO) - Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số nghiêm trọng, kéo theo bài toán về thiếu hụt nguồn nhân lực chăm sóc người già. 

Để giải quyết tình trạng trên, chính quyền Hồng Công đang nghiên cứu nới lỏng quy định nhập khẩu nguồn lao động nước ngoài làm việc trong các nhà dưỡng lão, viện điều dưỡng chăm sóc người cao tuổi. 

Dư luận cho rằng các cơ quan chức năng Hồng Công cần phải quy hoạch nghề nghiệp tốt hơn cho ngành điều dưỡng. Ở đây, có thể học tập mô hình của Nhật Bản, nơi các điều dưỡng viên sau một thời gian làm việc có cơ hội trở thành y tá nếu qua được các kỳ thi sát hạch. Chính quyền Hồng Công cần xây dựng hình ảnh tích cực của các điều dưỡng viên, có chính sách tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ về tầm quan trọng, tương lai nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến trong ngành điều dưỡng.
Ở một góc nhìn khác, theo ý kiến của một số nhà lập pháp Hồng Công, chính quyền vẫn chưa khai thác hết tiềm lực của người dân sở tại trong khi đã nghiên cứu nhập khẩu lao động nước ngoài là không hợp lý. Hiện tiền lương trong ngành điều dưỡng ở Hồng Công thấp hơn so với 10 năm trước, mức lương bình quân tháng 13.000 HKD (tương đương 1.650USD) nên khó thu hút lao động. Do đó, chính quyền cần có quy định linh hoạt về thời gian làm việc trong ngành điều dưỡng, để lao động nữ tại chỗ có thể được làm việc bán thời gian.
Hiện dân số Hồng Công có khoảng 7 triệu người, trong đó hơn 1 triệu người từ 65 tuổi trở lên (tương đương 15% dân số). Đến năm 2041, con số này sẽ tăng lên đến gần 2,6 triệu người, khi đó cứ 3 người Hồng Công sẽ có 1 người già. Tại Hồng Công, chỉ trong 25 năm, tỷ lệ người từ 55 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi, từ chiếm 7% lên 14%.
Trong khi đất nước có tỷ lệ dân số già như Nhật Bản phải mất 37 năm mới tiến đến tỷ lệ này. Thống kê của chính quyền cho thấy chỉ có 4% người già ở Hồng Công trên 65 tuổi muốn sống trong các nhà dưỡng lão, nhưng con số thực tế là 6,8%, cao hơn 3-5% so với các nước phát triển. Nguyên nhân chủ yếu do người già không muốn tăng thêm gánh nặng cho con cái. 
Hồng Công và bài toán chăm sóc người cao tuổi ảnh 1 Người cao  tuổi ở Hồng Công. 
Hồng Công hiện có hơn 700 viện dưỡng lão, thời gian làm việc của các điều dưỡng viên làm việc ở đây lên đến 12 giờ/ngày. Tuy nhiên thu nhập thấp trong khi công việc yêu cầu người làm phải có sức khỏe. Đây là nguyên nhân khiến ngành điều dưỡng ở Hồng Công luôn ở tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Vì vậy, các nhà lập pháp Hồng Công kiến nghị khi dân số chính thức bước vào giai đoạn già hóa với tuổi thọ tăng liên tục trong các thập niên và nhu cầu đảm bảo an toàn sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn, chính quyền cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho điều dưỡng viên để thu hút được lực lượng lao động tham gia ngành này. 
Hồng Công đang hướng đến xã hội thân thiện với mọi lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi để có thể tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Theo chính sách hiện nay, chính quyền Hồng Công đã chi hàng tỷ HKD vào các khoản an sinh xã hội, dịch vụ y tế, trợ cấp cho người lớn tuổi. Điển hình như chương trình về trợ cấp giao thông công cộng 4 tỷ HKD. Trong đó, người từ 65 tuổi trở lên có thể dùng thẻ giao thông Octopus để đi lại trên 4 loại hình phương tiện công cộng tàu điện MTR, xe buýt đặc biệt, xe mini buýt xanh và phà với giá rẻ. Trong năm nay, chính quyền Hồng Công dự kiến chi thêm 1,2 tỷ HKD cho chương trình này.

 

Các tin khác