Milan hy vọng thay thế trung tâm tài chính London

(ĐTTCO) - Nhiều nhân viên gốc Italia trong ngành tài chính đang hoạt động tại London đang có kế hoạch trở về với Milan, giữa lúc tiền trình đàm phán rời khỏi EU của nước Anh đối mặt với quá nhiều trắc trở.
Milan đang hy vọng thay thế trung tâm tài chính London.
Milan đang hy vọng thay thế trung tâm tài chính London.

Hai ngân hàng lớn của thế giới là Goldman Sachs và JPMorgan đã bắt đầu tìm kiếm địa điểm đặt văn phòng mới tại Milan- “thủ đô tài chính” của Italia, do trụ sở hiện tại của họ tại đây quá nhỏ không đủ để tiếp nhận số nhân viên sắp chuyển từ London sang.

Goldman Sachs hiện có 20 nhân sự hoạt động tại thành phố này. Dự kiến con số trên có thể tăng gấp đôi vào năm 2019 với các nhân viên ngân hàng gốc Italia sẽ trở về từ London. Trong khi đó JPMorgan, với 160 nhân viên đang làm việc tại trụ sở ở Milan, cũng đang lên kế hoạch tăng cường lực lượng nhân sự của mình. 

Đối với những người "hồi hương", Chính phủ Italia cũng đang đưa ra những ưu đãi tài chính hết sức hấp dẫn. Trong hơn hai thập niên qua, hàng ngàn người có bằng cấp đã rời Italia vì lý do thiếu việc làm và triển vọng công việc.

Nhằm đảo ngược dòng “chảy máu chất xám” này, Italia đã đưa ra những chính sách hấp dẫn như miễn thuế 50% trong 5 năm liền cho những lao động có tay nghề cao người Italia trở về từ nước ngoài.  Bên cạnh đó, Italia cũng tăng cường sức hấp dẫn của Milan đối với nhà đầu tư nước ngoài bằng cách xây dựng khu tài chính Porta Nuova tại thành phố này.

Trong vòng 24 tháng qua, khoảng 6 tỷ EUR đã được đầu tư vào việc xây dựng khu văn phòng tại Italia, và một phần lớn trong số đó chảy vào Porta Nuova. Giá nhà đất tại Italia cũng hấp dẫn hơn so với nước Anh. Một căn hộ ở khu vực “đắc địa” tại quận Brera, Milan có giá khoảng 12.000USD/m2, trong khi giá căn hộ tại khu vực Mayfair đắt đỏ của Anh trung bình vào khoảng 25.000USD/m2. 

Tuy nhiên, Milan vẫn phải trải qua một chặng đường dài mới có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của các trung tâm tài chính như London và New York. Hoạt động trao đổi ngoại tệ tại thành phố này mới chiếm 0,3% thị trường toàn cầu, trong khi con số này tại London là 36,9%. Bên cạnh đó, chi phí dành cho hoạt động ngân hàng tại Italia lại cao hơn so với nước Anh, Pháp và Đức. 

Mặc dù chưa xuất hiện một cuộc “đại di cư” về Milan, nhưng điều này cũng cho thấy một xu hướng đang gia tăng trong khối khối ngân hàng đầu tư tại châu Âu. Các ngân hàng trên – sau 20 năm gần như chỉ hoạt động tại London - đang cân nhắc chuyển sang những trung tâm tài chính khác như Frankfurt và Paris, hay thậm chí trở về quê hương.

Các tin khác