Mức sống thành phố châu Á ngày càng đắt đỏ

(ĐTTCO) - The Economist vừa công bố báo cáo thường niên Worldwide Cost of Living Survey về chi phí sinh hoạt của các thành phố trên thế giới năm 2019. Theo đó, thủ đô Paris, Singapore và Hồng Công là những thành phố đứng đầu danh sách do Chỉ số Giá cả sinh hoạt thế giới (WCOL) ghi nhận.
Cuộc khảo sát hàng năm, đánh giá chi phí của hơn 150 mặt hàng tại 133 thành phố trên khắp thế giới, top 10 trong danh sách chủ yếu do các thành phố châu Á và châu Âu thống trị. Thủ đô Paris của Pháp, luôn nằm trong top 10 kể từ năm 2003, vẫn tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng, trong khi đó thành phố đắt đỏ thứ tư năm ngoái, Hồng Công, lần đầu tiên nhảy 3 bậc lên chia sẻ vị trí dẫn đầu cùng thành phố châu Á khác là Singapore.
Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp quốc đảo sư tử giành danh hiệu này. Thành phố Osaka của Nhật Bản đã tăng 6 bậc để lọt vào top 10 địa chỉ đắt đỏ nhất, và hiện chia sẻ vị trí thứ năm với Geneva của Thụy Sĩ. Thứ hạng số bảy của Seoul-Hàn Quốc (cùng với Copenhagen-Đan Mạch), được cho là do chi phí vận chuyển, giải trí và chăm sóc cá nhân tương đối cao.
New York và Los Angeles là những thành phố Bắc Mỹ duy nhất trong top 10. Thành phố New York tăng sáu bậc lên vị trí thứ bảy, cùng hạng với thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Trong khi đó, thành phố Los Angeles đứng trong top 10. Theo khảo sát, các thành phố của Mỹ là một trong những nơi đắt đỏ nhất khi nói đến các tiện ích và trợ giúp trong nước. Thụy Sĩ cũng có 2 thành phố là Zurich và Geneva, lần lượt đứng ở vị trí thứ tư và thứ năm (đồng hạng với Osaka), có chi phí sinh hoạt gia đình, chăm sóc cá nhân, giải trí thuộc hạng cao nhất.
Mức sống thành phố châu Á ngày càng đắt đỏ ảnh 1 Hồng Công là những thành phố đứng đầu danh sách do Chỉ số Giá cả sinh hoạt thế giới (WCOL) ghi nhận. 
Bà Roxana Slavcheva, biên tập viên cuộc khảo sát, nhận định: "Chúng tôi lưu ý chi phí hội tụ ở các thành phố đắt đỏ truyền thống như Paris, Singapore, Zurich, Geneva, Copenhagen và Hồng Công. Đây là mức độ phản ánh về xu hướng toàn cầu hóa, tương đồng về thị hiếu và nhu cầu mua sắm". Thành phố London của Anh trong năm nay được xếp hạng 22 thế giới, tăng 8 bậc do giá cả nội địa có sự điều chỉnh mạnh.
Bà Roxana Slavcheva cho biết thêm, điều đáng lưu ý trong cuộc khảo sát là một số thành phố đã giảm xếp hạng trong danh sách các thành phố kinh tế mới nổi, bao gồm Istanbul, Tashkent, Moscow và St. Petersburg bởi lạm phát cao và đồng tiền mất giá liên tục. Ngoài ra, các thành phố có chi phí rẻ nhất để sống phần lớn đến từ những quốc gia đang lâm vào khủng hoảng chính trị hoặc kinh tế. Thủ đô Tashkent của Uzbekistan chứng kiến một sự sụt giảm lớn, giảm 19 bậc xuống vị trí thứ 131, trong khi Moscow giảm 16 bậc xuống vị trí 102. Caracas - thủ đô của Venezuela nằm ở cuối danh sách năm nay (thứ 133), chiếm vị trí của thủ đô Damascus của Syria, đây là các nước đều đang trong tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế.
Theo thống kê của Economist, chi phí sống tại các thành phố Trung Quốc vẫn ổn định trong khi các điểm đến Đông Nam Á dần thăng hạng. Trong đó, chi phí sống tại Hà Nội đang ở vị trí 60 trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng sáu bậc so với năm 2018. Trong khi đó, TPHCM xếp hạng 80, tăng hai bậc. Việt Nam là nước duy nhất tại Đông Nam Á có hai thành phố nằm trong top 90 của bảng xếp hạng chi phí sinh hoạt toàn cầu. Trong khi đó, Malaysia là nước trong khu vực có sự cải thiện về thứ bậc mạnh mẽ nhất sau một năm. Thủ đô Kuala Lumpur đã tăng 10 bậc, xếp hạng 88.

Các tin khác