Phát hiện hố thiên thạch rộng 31km

(ĐTTCO) - Các nhà nghiên cứu tin rằng một thiên thạch với đường kính 1km đã va chạm vào trái đất và tạo ra hố thiên thạch rộng 31km và sâu 300m tại Greenland, một đảo quốc Bắc cực thuộc Đan Mạch, vào khoảng 12.000 năm trước. 
Phát hiện hố thiên thạch rộng 31km
Với các mẫu thử trầm tích tại miệng hố, các nhà nghiên cứu cho rằng hố thiên thạch được hình thành do sự va chạm của khối thiên thạch nặng 10 tỷ tấn, tương đương với lượng năng lượng bằng 47 triệu lần quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima năm 1945, và nằm sâu 800m dưới sông băng Hiawatha tại phía bắc Greenland. Với kích thước khổng lồ như vậy, trong một nghiên cứu bởi tạp chí Science Advances, đây được chọn là 1 trong 25 hố thiên thạch lớn nhất hành tinh.
Giáo sư Kurt Kjaer của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Đan Mạch chia sẻ: “Dựa trên điều kiện tự nhiên của hố, chúng tôi có thể xác định được hố hình thành vào khoảng 12.000 năm trước. Hố thiên thạch vẫn được bảo quản tốt và đây là điều đáng kinh ngạc bởi vì lớp băng lại là tác nhân gây xói mòn khi nó có thể xóa hết mọi dấu vết của sự va chạm”. 
Nhóm nghiên cứu cho rằng vụ va chạm đã tác động đáng kể tới trái đất. Giáo sư John Paden của đại học Kansas cho hay: “Một lượng mảnh vụn từ vụ va chạm có thể đã bay vào không khí ảnh hưởng tới khí hậu và sự va chạm này đã làm lớp băng tại đây tan chảy, tạo ra dòng nước ngọt chảy vào eo biển Nares nằm giữa Canada và Greenland, ảnh hưởng tới dòng chảy đại dương của toàn khu vực”.
Vào năm 2015, nhóm nghiên cứu quốc tế thông qua hình ảnh cung cấp bởi NASA đã xác định được vị trí hố thiên thạch. Tuy nhiên, để chứng minh hố này thật sự tồn tại, nhóm đã mất tới 3 năm và sử dụng hệ thống radar xuyên băng để xác định kích thước của hố cũng như các nghiên cứu địa chất để xác định độ tuổi của nó.
Hiện tại, các nhà khoa học tiếp tục cố gắng phục hồi các vật chất bị tan chảy sau vụ va chạm với hy vọng tìm ra được thời điểm chính xác của vụ va chạm cũng như các tác động của nó lên khu vực.

Các tin khác