Singapore: Lao động nhập cư sống trong thiếu thốn

(ĐTTCO) - Những người lao động tại “quốc đảo sư tử" phải nhận mức lương 15USD (tương đương 345.000 đồng) cho 12 tiếng làm việc. Điều này có nghĩa người lao động không còn cách nào khác ngoài việc chọn các bữa ăn của họ từ nhà cung cấp thực phẩm giá rẻ, thiếu dinh dưỡng và đôi khi còn ôi thiu.

Mỗi lần Mominul Hassan gọi về cho gia đình ở quê nhà tại Bangladesh, anh phải tắt chức năng gọi video trên điện thoại để gia đình không thể nhìn thấy anh. Hassan cho biết đây là cách duy nhất để đảm bảo rằng họ không bao giờ phát hiện anh đã sụt cân như thế nào, kể từ khi anh đến Singapore làm công nhân xây dựng 8 năm về trước. Anh chia sẻ:  “Nếu như vợ thấy tôi như thế này, cô ấy sẽ lo lắng và yêu cầu tôi trở về nước. Tôi nhớ quê hương, nhưng tôi cũng cần kiếm đủ tiền trước khi tôi trở về”.
Singapore phụ thuộc số lượng lớn các công nhân nhập cư từ các nước như Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar để đẩy mạnh lĩnh vực xây dựng - lĩnh vực đạt giá trị  gần 22,5 tỷ USD trong năm 2018. Nhưng tại một đất nước không quy định về thu nhập tối thiểu, lao động nhập cư chỉ được trả 13-15USD cho một ngày làm việc 10-12 tiếng, phụ thuộc vào mức độ của của dự án. Do đó, công nhân sẵn sàng làm thêm giờ để tăng thu nhập. 
Không có thời gian nghỉ ngơi và thu nhập để trang trải, người lao động phải tìm đến dịch vụ cung cấp suất ăn giá rẻ. Với 90-110 USD (khoảng 2 triệu đồng) mỗi tháng, họ nhận được 3 suất ăn mỗi ngày, được giao thẳng tới nhà trọ hay công trường.
Nhưng trên thực tế, thức ăn là không đáng kể, đôi khi thiếu dinh dưỡng và ôi thiu. Bữa sáng thông thường bao gồm 3 mẩu bánh mì Ấn Độ cùng với đậu lăng nấu bơ, đậu lăng khô hoặc cà ri. Bữa trưa và bữa tối thường bao gồm cơm và cà ri ăn kèm với ít thịt và rau củ.
Singapore: Lao động nhập cư sống trong thiếu thốn ảnh 1 Một khu nhà trọ của các công nhân lao động tại Singapore. 
Mặc dù bữa ăn được chuẩn bị nhưng không còn hấp dẫn hoặc giảm chất lượng khi nó đến tay công nhân, vì các nhà cung cấp thực phẩm thường cắt giảm việc giao hàng để tăng lợi nhuận. Một ngày làm việc điển hình của một công nhân nhập cư bắt đầu sớm nhất là 7 giờ sáng, nhưng thông thường các nhà cung cấp sẽ đưa cả gói bữa sáng và bữa trưa cùng nhau trước 6 giờ sáng, để tránh thực hiện 2 chuyến đi. 
Cơ quan an toàn thực phẩm quốc gia yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm dán nhãn hạn sử dụng - khoảng 4 tiếng kể từ khi thực phẩm được chế biến. Tuy các nhà cung cấp thực phẩm thường đưa ra hạn sử dụng, nhưng họ biết rằng người lao động không thể kịp ăn. Do đó, người lao động thường phải dùng bữa được chuẩn bị từ 6-8 tiếng trước đó.
Các hộp đồ ăn thường để ngoài trời, do thiếu nơi bảo quản nên các công nhân chia sẻ rằng không có gì lạ khi thấy những con chó hay chuột gần những hộp đồ ăn. Trong mùa mưa, thức ăn thậm chí bị ngấm nước và không ăn được.
Tình hình cải thiện hơn đối với các công nhân sống trong các nhà trọ được trang bị nấu nướng đầy đủ. Trong khi họ có thể tự chuẩn bị bữa ăn, các siêu thị trong khu nhà trọ thường tính giá cao hơn so với những nơi khác.
Với 1,5 triệu lao động nhập cư tại Singapore, kinh doanh thực phẩm là để sinh lợi. Để vượt lên phía trước, các công ty giảm giá cả để kích cầu, do đó chất lượng luôn luôn bị ảnh hưởng.
Ông Sukkur Maideen, 47 tuổi, quản lý một căng tin và siêu thị tại ký túc xá chia sẻ: “Tương tự như bất kỳ ngành nào khác, bạn càng trả nhiều tiền, chất lượng càng tốt. Đó không phải là lỗi của những người cung cấp thực phẩm hay công nhân”.
Để đáp ứng nhu cầu, nhà bếp phải hoạt động 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm. Kinh doanh trong một ngành đòi hỏi nhân lực cao, đồng nghĩa với việc tăng chi phí cho việc vận chuyển, nhiên liệu và nhân lực nên lợi nhuận rất ít. Để tăng lợi nhuận, họ sẵn sàng cắt giảm chi phí bằng cách sử dụng các thành phần kém chất lượng và hợp nhất việc giao hàng.
Debbie Fordyce, nhà hoạt động về quyền người lao động nhập cư, cho rằng đây chỉ là một phần của bức tranh về bóc lột người lao động nhập cư. Sau khi phải trả phí tuyển dụng cắt cổ để đảm bảo công việc, thường là công việc nguy hiểm, người lao động rơi vào cảnh nợ nần và buộc phải chấp nhận bị bóc lột sức lao động.
Fordyce cho rằng, nhà tuyển dụng phải chịu trách nhiệm đảm bảo người lao động của họ được tiếp cận với các doanh nghiệp thực phẩm đáng tin cậy, hoặc các thiết bị nhà bếp đầy đủ để chuẩn bị bữa ăn của riêng họ. Công nhân nhập cư đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy nền kinh tế, do đó họ phải đối xử lao động nhập cư một cách nhân đạo, không được đối xử như người lao động dùng một lần và có thể thay thế.

Các tin khác