Tổng thống Mỹ khởi động chiến dịch tái tranh cử

(ĐTTCO) - Dự kiến vào ngày 19-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thành phố Orlando, Floria (Mỹ), để công bố quyết định tái tranh cử. 

Theo đánh giá của dư luận Mỹ, thông điệp đưa ra tại Orlando sẽ phần nào cho thấy đường hướng vận động tranh cử của ông chủ Nhà Trắng trong thời gian tới.

Kinh tế mạnh là lợi thế

Giới quan sát nhận định về đối nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có một số lợi thế khi tranh cử do các chỉ số kinh tế có diễn biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất và tăng trưởng kinh tế cao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng

Trong cả hai tháng 4 và tháng 5 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được duy trì ở mức 3,6%, thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Vào thời điểm ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, tháng 1-2017, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 4,7%. Tỷ lệ ủng hộ ông chủ Nhà Trắng dao động ở mức 40% và theo cuộc khảo sát vào cuối tháng trước của Havard - Harris, tỷ lệ này đã tăng vọt lên 48%.

Một số cử tri Mỹ ủng hộ ông Donald Trump cho biết họ bị thuyết phục bởi khả năng điều hành nền kinh tế của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức ủng hộ của Tổng thống Barack Obama (50%), George W Bush (58%) và Bill Clinton (54%)

Thành công lập pháp chính của Tổng thống Donald Trump cho tới nay là thông qua một dự luật cải cách thuế, trong đó thuế doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21% và tạm thời cũng giảm cả thuế cá nhân, đúng như lời cam đoan của ông trước các cử tri khi tranh cử rằng sẽ cắt giảm thuế ở mọi mức thu nhập. 

Ông cũng từng hứa sẽ áp dụng các chính sách cứng rắn với Trung Quốc và điều này thực sự trở thành sự thật. Tuy nhiên, tranh cãi xung quanh việc hủy bỏ chương trình chăm sóc y tế Obamacare hay xây dựng bức tường biên giới Mexico khiến Tổng thống Mỹ đã vấp phải nhiều chỉ trích về cách thức điều hành chính phủ.

Về chính sách đối ngoại, ông Donald Trump nhiều lần cho thấy sự thiếu chắc chắn cũng như những thay đổi khác thường về chính sách ngoại giao liên quan đến nhiều điểm nóng trong khu vực như Trung Đông hay Triều Tiên. Đây cũng là điểm trừ trong chính sách ngoại giao của ông Donald Trump cho đến thời điểm này.

Đối thủ đáng gờm

Ông Donald Trump vẫn còn lợi thế nữa là đã giành được gần như toàn bộ sự ủng hộ của nội bộ đảng Cộng hòa cho cuộc đua sắp tới. Thay vì ngó lơ ông như trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, nhiều thành viên đảng Cộng hòa đang bày tỏ ý định sát cánh và hỗ trợ Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực tiếp tục tại vị.

Kết quả điều tra do Viện Gallup tiến hành cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa hiện xấp xỉ 90%. Nếu con số này vẫn duy trì ở mức cao, ông sẽ không phải đối mặt với thách thức quá nghiêm trọng để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trên thực tế, ông Donald Trump thường xuyên vận động tranh cử bằng hình thức không theo truyền thống là viết trên Twitter, nơi không ít trong số người dùng mạng xã hội là khán giả. Sự vận động liên tục này, kể cả trên không gian mạng lẫn ngoài đời thực, đã ít nhiều tạo ra hiệu ứng cho hình ảnh của ông Donald Trump trong giai đoạn các đối thủ bên đảng Dân chủ chưa thực sự sẵn sàng.

Đối thủ đáng gờm nhất của ông Donald Trump hiện là cựu Phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của đảng Dân chủ. Với kết quả khả quan trong cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ đang rất lạc quan vào khả năng chiếm lại vị trí đứng đầu Nhà Trắng.

Kết quả cuộc thăm dò toàn quốc của Fox News công bố mới nhất ngay trước thềm ông Donald Trump phát động chiến dịch tranh cử, lại cho thấy ông Donald Trump đang phải đuổi theo ông Biden và 4 ứng cử viên khác của đảng Dân chủ trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.

Các tin khác