Vượt khủng hoảng Bồ Đào Nha được thăng hạng tín dụng

(ĐTTCO) - Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P mới đây đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha và nâng hạng tín dụng của quốc gia này khỏi mức “cầm đèn đỏ”, từ BB+ lên BBB-.
Xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha đã qua khỏi mức “cầm đèn đỏ".
Xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha đã qua khỏi mức “cầm đèn đỏ".

Standard & Poor’s (S&P)cho rằng sự thăng hạng này là kết quả phản ánh những nỗ lực của Bồ Đào Nha trong việc giải quyết thâm hụt ngân sách, đồng thời lạc quan về một tương lai phát triển “ổn định”.

Cú hích quan trọng

Thông báo của S&P có đoạn: “Triển vọng ổn định của Bồ Đào Nha giúp củng cố kỳ vọng của chúng tôi về một giai đoạn phát triển kinh tế vững chắc và ngân sách được bảo đảm, cùng với việc giảm thiểu rủi ro tài chính trong vòng 2 năm tới, đối phó với những nguy cơ về sự suy yếu của thị trường và bất ổn bắt nguồn từ những khoản nợ lớn của cả khu vực công và tư”.

Còn nhớ, từ tháng 1/2012, S&P từng đánh giá hạng mức tín dụng của Bồ Đào Nha ở mức rất thấp, dưới chuẩn đầu tư. Khi đó, quốc gia này đang gặp khó khăn về tài chính và phải kêu gọi các gói cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ông Mario Centeno - Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha, hy vọng với việc điểm tín dụng được cải thiện, Bồ Đào Nha sẽ lại thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trái phiếu, nhờ đó giảm chi phí vay cho cả chính phủ và giới doanh nghiệp.

Ông Centeno cho biết: “Việc này có thể tạo ra tác động đáng kể. Sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư bổ sung chứng khoán nợ của Bồ Đào Nha vào danh mục của mình. Nó cũng giúp các khoản nợ vay của khu vực tư được hưởng các điều kiện thuận lợi hơn. Điều này có liên quan trực tiếp đến các ngân hàng trong nước”.

Du lịch và xuất khẩu đang là động lực quan trọng, đóng góp lớn vào sự phục hồi của kinh tế Bồ Đào Nha.

Theo dự đoán của Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha, tốc độ tăng trưởng của hai ngành trên sẽ tăng lên 2,5% trong năm nay. Tăng trưởng nhanh hơn sẽ giúp chính phủ kiểm soát được thâm hụt ngân sách, mà cụ thể nhất năm 2016, tỷ lệ thâm hụt trên tổng sản phẩm quốc nội đã rơi xuống mức thấp nhất của 4 thập kỷ trở lại đây.

Từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã tăng nhiều loại thuế gián thu và rút ngắn thời gian làm việc trong tuần của công chức nhà nước, tức là thay đổi 180 độ so với quãng thời gian sử dụng gói cứu trợ quốc tế.

Dù đã phục hồi và kết thúc 36 tháng nhận cứu trợ vào năm 2014, song Bồ Đào Nha vẫn còn một số vấn đề tồn đọng phải giải quyết, trong đó có nợ xấu ngành ngân hàng.

Chuyển biến ở phía trước

Chính phủ Bồ Đào Nha chủ trương giảm thâm hụt ngân sách từ mức 2% GDP của năm 2016 xuống còn 1,5% trong năm nay, cùng với đó là giảm tỷ lệ nợ/GDP từ 130,4% xuống còn 127,7%. Năm 2016, tỷ lệ nợ của Bồ Đào Nha tăng lên một phần là do phải huy động 2,5 tỷ euro bơm tiền cho ngân hàng quốc doanh Caixa Geral de Depositos..

S&P mới chỉ là cơ quan đầu tiên trong ba “ông lớn” của lĩnh vực xếp hạng tín dụng kéo Bồ Đào Nha khỏi mức dưới chuẩn đầu tư, trong khi Moody’s và Fitch vẫn giữ nguyên quan điểm. Tuy nhiên, đầu tháng 9, cả Moody’s và Fitch đều đã nâng mức triển vọng của nước này từ ổn định sang khả quan.

Trước đó, Bồ Đào Nha cũng được đánh giá đủ chuẩn đầu tư bởi DBRS, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định xem một quốc gia có đủ điều kiện tham gia chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay không.

Tính tại thời điểm giao dịch cuối tuần qua, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bồ Đào Nha có lợi suất 2,8%, giảm so với mức 4% của 6 tháng trước. Loại trái phiếu này từng đạt đỉnh 18% vào năm 2012 ở giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Bộ trưởng Centeno nhận định: “Việc được nâng hạng tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng khi Bồ Đào Nha sắp sửa công bố những thay đổi trong chính sách tiền tệ trong thời gian tới”. Ông còn tiết lộ rằng quyết định cuối cùng về kế hoạch phát hành trái phiếu tại Trung Quốc cũng sắp được đưa ra.

Các tin khác