Chậm tái cơ cấu, nguyên nhân chủ quan

(ĐTTCO) - Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020, với mục tiêu tổng quát là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

(ĐTTCO) - Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020, với mục tiêu tổng quát là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

 

Tuy bản kế hoạch này đã thẳng thắn thừa nhận nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 nhưng dường như vẫn né tránh, chưa chỉ ra nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế. Cụ thể, bản kế hoạch nêu nguyên nhân đầu tiên là “chậm đổi mới thể chế huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”.

Bởi vậy, dù bản kế hoạch đã đưa ra nhiều chi tiết để minh họa cho nguyên nhân này, nhưng rốt cuộc đó cũng chỉ là những biểu hiện cụ thể của các hạn chế trong việc đổi mới thể chế huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Vì thế, cần hiểu và đưa việc chậm đổi mới thể chế huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển nói trên vào phần “những hạn chế”. Đồng thời, cần nhận thức rõ rằng nguyên nhân của việc chậm đổi mới này là do yếu tố chủ quan - con người - chi phối. Đã nhận thức rõ cần phải đổi mới thể chế này nhưng sự trì trệ, yếu kém, tư duy cục bộ, vụ lợi… có hệ thống từ Trung ương, các bộ, ngành xuống đến các doanh nghiệp và địa phương đã không được khắc phục nên mới gây ra kết cục như hiện nay. Chỉ khi nào thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân này mới đưa ra được các giải pháp “điều trị đúng bệnh”.

Về nguyên nhân thứ hai nêu trong bản kế hoạch - tổ chức thực hiện tái cơ cấu còn thiếu hiệu lực và đồng bộ - đây thực chất cũng là một hạn chế, tức là một kết quả chứ không phải nguyên nhân. Và nguyên nhân thực sự của kết quả này cũng do yếu tố con người gây ra. Đó là những người có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện tái cơ cấu, từ Trung ương đến địa phương, đã không làm tròn trách nhiệm được giao. Chỉ khi nào chỉ ra được ai, tổ chức nào đã không làm tròn trách nhiệm và đưa ra được phương pháp khắc phục, chẳng hạn như kỷ luật, thay thế những cá nhân, tổ chức này mới mong lấp được một lỗ hổng trong việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế.

Với nguyên nhân tái cơ cấu nền kinh tế chưa gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng phải lặp lại rằng đây chỉ là kết quả chứ không phải nguyên nhân. Và kết quả này cũng lại do con người tạo ra. Chẳng hạn, những cá nhân và tổ chức liên đới trong quá trình tái cơ cấu kinh tế đã cố tình tìm cách vô hiệu hóa các áp lực cải cách kinh tế (thí dụ cải cách doanh nghiệp nhà nước, mở cửa và thực hiện cơ chế thị trường cho những ngành và những sản phẩm cam kết tự do hóa theo các thỏa thuận tự do hóa thương mại song phương và đa phương…), do tư duy lợi ích nhóm, cục bộ, hoặc bảo thủ trước tự do hóa…

2 nguyên nhân cuối cùng được nêu trong bản kế hoạch là năng lực bộ máy hành chính quản lý nhà nước về kinh tế còn hạn chế và vai trò giám sát các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với tái cơ cấu nền kinh tế còn chưa được phát huy đầy đủ. 2 nguyên nhân này một mặt đã thừa nhận mối liên hệ trực tiếp với yếu tố con người, nhưng mặt khác, đã không đi sâu hơn trong việc chỉ ra nguyên nhân thực sự làm cho năng lực bộ máy hành chính còn hạn chế và việc giám sát của dân còn chưa được phát huy đầy đủ.

Ở điểm này cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng chính những cá nhân và tổ chức liên đới trong việc xây dựng bộ máy hành chính quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm cho việc năng lực của bộ máy này còn hạn chế. Chẳng hạn, nạn “chạy chức”, “chạy quyền” diễn ra tràn lan là một nguyên nhân làm tha hóa, suy giảm nghiêm trọng chất lượng và năng lực của bộ máy hành chính. Nhưng trên thực tế cũng chưa “tóm” được ai nhận “chạy chức”, “chạy quyền”, và cũng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm để tệ nạn này diễn ra tràn lan bao năm nay.

Tóm lại, nguyên nhân của những nguyên nhân gây ra những hạn chế trong tái cơ cấu nền kinh tế chính là những hạn chế về năng lực, phẩm chất và sự sẵn lòng với tái cơ cấu của những cá nhân liên đới trong bộ máy công quyền quản lý và điều hành nền kinh tế. Chỉ khi nào đạt được đồng thuận về vấn đề này thay vì đổ lỗi cho những lý do có vẻ khách quan mới mong công cuộc tái cơ cấu thành hiện thực.

Các tin khác