Chờ “đại phẫu” các trạm thu phí

(ĐTTCO) - Sau bao nhiêu lùm xùm vây quanh các trạm thu phí trên cả nước, đến khi xảy ra vụ cướp 2,2 tỷ đồng tiền thu phí tại trạm Dầu Giây hôm mùng 3 Tết Kỷ Hợi, từ đầu tuần này Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Việt Nam bắt đầu tiến hành kiểm tra toàn diện công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Trạm thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Trạm thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Thực tế nhiều năm qua, các dự án BOT nói chung và BOT giao thông nói riêng, đang bị buông lỏng việc quản lý, thanh kiểm tra. Đặc biệt, việc giám sát doanh thu thu phí đều dựa trên báo cáo của nhà đầu tư. Cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi có phản ánh, nghi vấn hay chỉ khi bị áp lực từ dư luận về tính minh bạch trong công tác thu phí. 
Thí dụ, trong các năm 2016 và 2017, từ tố cáo công tác thu phí tại dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Bắc Giang có nhiều điểm chưa hợp lý, gian lận, TCĐB đã tiến hành thanh tra, phát hiện chênh lệch giữa số thu trung bình ngày giám sát với số thu bình quân ngày báo cáo của doanh nghiệp 2 dự án BOT này lên tới hàng trăm triệu đồng/ngày.
Hay vụ việc Yên Khánh mới đây bị cơ quan điều tra khởi tố vì dùng công nghệ che giấu, giảm doanh thu thu phí thực tế trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, cũng cho thấy việc quản lý doanh thu thu phí đang có những kẽ hở.
Trước thực trạng tù mù về doanh thu của các trạm thu phí BOT, giải pháp tốt nhất hiện nay là đẩy nhanh tiến độ áp dụng hệ thống thu phí không dừng (ETC). Song điều đáng nói, đã hơn 3 năm kể từ ngày Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư dự án thu phí ETC giai đoạn 1 trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên, nhưng đến thời điểm này, công việc triển khai ETC như dậm chân tại chỗ.
Nhiều doanh nghiệp cố tình trì hoãn áp dụng thu phí không dừng, vẫn tìm lý do để giữ lại càng nhiều làn thu phí hỗn hợp càng tốt. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 có 28 trạm BOT được triển khai thu phí ETC.
Đến tháng 3-2017, trước nhu cầu về sự đòi hỏi phải minh bạch trong thu phí các dự án đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đến hết năm 2018, toàn bộ 44 trạm BOT với trên 600 làn thu phí của các tuyến đường trên phải thực hiện ETC. Tuy nhiên, qua đầu năm 2019, mới có 26 trạm BOT với 91 làn thu phí ETC được đưa vào vận hành.
Sự chậm trễ trong triển khai giải pháp thu phí ETC, ngoài việc doanh nghiệp và có thể cả cơ quan quản lý không thực sự muốn minh bạch trong thu phí để trục lợi, còn do sự không thống nhất trong các văn bản pháp quy về vấn đề này. Hồi tháng 3-2018, triển khai thực hiện Quyết định 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC, TCĐB có văn bản chỉ đạo đến cuối năm 2018, toàn bộ ô tô bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động (Etag), nếu không sẽ bị xử phạt. 
Trước đó, vào tháng 9-2017, đại diện TCĐB cũng khẳng định, sau ngày 30-10-2017, nhà đầu tư BOT sẽ phải dừng thu phí nếu không lắp đặt hệ thống ETC. Thế nhưng, số lượng xe đã được dán thẻ để thu phí ETC đến nay mới đạt trên 680.000 trong tổng số 3,5 triệu xe, chiếm 22%.
Trong khi đó, theo các trung tâm đăng kiểm, chưa có quy định nào buộc chủ xe dán thẻ Etag. Hiện các trung tâm này chỉ làm dịch vụ dán thẻ Etag, có nghĩa phương tiện ô tô nào muốn dán thẻ Etag thì đóng tiền làm, không bắt buộc. 
Huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông là vô cùng cần thiết, và là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy đừng làm méo mó một chủ trương hợp lòng dân. Đã đến lúc người dân khi qua các trạm BOT giao thông phải được biết số tiền họ chi trả đi về đâu, họ đã trả được bao nhiêu và còn nợ lại bao nhiêu?
Những lợi ích của việc thu phí ETC đã rõ ràng, hạn chế gian lận, giao thông thông suốt, giảm chi phí vận hành, đồng thời giúp Nhà nước kiểm soát được nhà đầu tư. Điều đó đồng nghĩa với việc càng đẩy nhanh tiến độ áp dụng thu phí ETC, những bất cập, bất minh trong hoạt động thu phí đường bộ càng sớm được giải quyết. Vấn đề là phải nhận diện chính xác những nguyên nhân khiến tiến độ triển khai ETC bị chậm.

Các tin khác