Cơ chế đặc thù để phát triển

(ĐTTCO) - Nghị định 48/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính  - ngân sách đặc thù đối với TPHCM để TP phát triển, thực hiện vai trò trung tâm của khu vực và cả nước, đã có hiệu lực từ ngày 10-6-2017. 
Cơ chế đặc thù để phát triển
Điểm tích cực là Nghị định 48 đã vượt luật cho TPHCM được vay nợ để đầu tư đến 70% (thay vì 60% như luật định) so với tổng ngân sách địa phương được hưởng. Bởi lẽ, vay nợ để đầu tư 60% sẽ không giải quyết được gốc của vấn đề tự chủ ngân sách của địa phương, nhất là tạo ra dư địa để TPHCM huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đô thị.

Tuy nhiên, Nghị định 48 chưa thực sự là cơ chế đặc thù cho TPHCM trong thời điểm hiện nay và nhiều nội dung đề xuất của UBND TP chưa được Chính phủ chấp thuận. 

Nhiều quy định trong Nghị định 48 TP đang áp dụng, thậm chí một số nguồn tài chính cho TP còn thấp hơn quy định hiện hành. Cụ thể, về phân cấp nguồn thu TP vẫn phải tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước. Trong khi đó, UBND TP đã đề xuất cơ chế đặc thù cho phù hợp với quy mô đô thị lớn.
Hoặc việc cấp lại cho TP một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8 - 10 - 12% tổng thu) trong vòng 10 năm để tạo điều kiện cho TP bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển; cho phép TP nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh và một số loại phí đối với hoạt động dịch vụ trên địa bàn…
Tương tự, quy định hiện hành, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP tương ứng 70% số tăng thu ngân sách so với dự toán được Thủ tướng giao và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. UBND TP đề xuất giữ nguyên mức “tương ứng 70%” này nhưng Nghị định 48 lại thu hẹp chỉ còn “không quá 70%” số tăng thu ngân sách.

Nhìn chung cả 13 điều của Nghị định 48 chưa thấy rõ nét về cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù, chủ yếu quy định các nội dung mang tính phổ biến của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Do đó, so với cơ chế tài chính ngân sách đang áp dụng cho TPHCM theo Nghị định 124 và Nghị định 61, Nghị định 48 không có sự đổi mới đáng kể, nhất là tăng tính tự chủ về tài chính và ngân sách cho TPHCM.
Nghị định 48 cũng không đề cập đến yêu cầu tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TPHCM trong việc huy động và sử dụng ngân sách. Như vậy, với những nội dung của nghị định này, TPHCM vẫn không có cơ chế nào để có thể đột phá khai thác nguồn lực, tăng nguồn thu, chủ động trong chi tiêu, nhất là huy động nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Vấn đề này đã được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu ra khi trình bày đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù của TPHCM để TP phát triển nhanh, bền vững hơn, vì cả nước” tại hội nghị Thành ủy TPHCM cuối tuần qua. Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua tự thân TPHCM đã có sự vận động mạnh mẽ và dẫn đầu cả nước toàn diện về quy mô dân số và kinh tế.
Điển hình là giai đoạn 1996-2016, quy mô nền kinh tế TP tăng 21,3 lần, trong khi cả nước chỉ 16,6 lần; cường độ hoạt động kinh tế của TPHCM năm 2016 là 463 tỷ đồng/km2, trong khi cả nước chỉ 13,6 tỷ đồng/km2. Tương ứng, cường độ thu ngân sách tương ứng trên diện tích của TPHCM cũng gấp 43,9 lần cả nước vào năm 2016 (146 tỷ đồng/km2 so với 3,3 tỷ đồng/km2)... Đây là những con số được tạo ra từ nội lực, từ đặc thù của chính TPHCM.

Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ TPHCM có tỷ lệ nộp thu ngân sách về Trung ương cao nhất nhưng lại có mức chi quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Cụ thể, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương liên tục bị cắt giảm từ 33% năm 2003 chỉ còn 18% giai đoạn 2017-2020. Tương ứng, dân số TPHCM chiếm 9,1% cả nước nhưng chỉ nhận ngân sách bằng 4,8% ngân sách cả nước dành cho các địa phương.
Nghịch lý này tiếp tục được thể hiện trong năm 2017 khi ngân sách TPHCM chuyển về Trung ương đạt 287.512 tỷ đồng (tăng 53.546 tỷ đồng so với năm 2016), nhưng phần được giữ lại từ thu ngân sách chỉ 63.270 tỷ đồng (giảm 6.698 tỷ đồng so với năm 2016).
Hệ quả, như cách ví von của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: “Theo chuẩn, 1km2 đất đô thị phải có 10km đường nhưng hiện nay TP chỉ có 1,98km đường/km2, chưa được 20%. Nếu không có cơ chế đặc thù để thúc đẩy, phải mất 167-230 năm nữa giao thông TPHCM mới đạt chuẩn”.

Các tin khác