Đột phá 7 chương trình đột phá

(ĐTTCO) - Hướng đến xây dựng TPHCM thành một đô thị văn minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đề ra 7 chương trình đột phá, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. 
Đột phá 7 chương trình đột phá
Những chương trình này liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh của người dân TP như ngập nước, kẹt xe, xâm nhập mặn, ô nhiễm không khí, nguồn nước và cả những chính sách tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Các chương trình vừa giải quyết được những vấn đề trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề trong tương lai. Vì thế, các chương trình thành công hay không sẽ quyết định đến chất lượng tăng trưởng kinh tế cũng như vấn đề phát triển đô thị của TP.
Đến nay, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, tuy nhiều chương trình đã đạt được kết quả tích cực bước đầu, nhưng nếu đánh giá chung vẫn còn khá ngổn ngang. Vướng mắc lớn nhất gặp phải là nguồn vốn đầu tư.
Ngân sách TP cùng lúc cân đối cho các chương trình như giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập, giảm ô nhiễm. Danh mục đầu tư hiện nay gần 240 dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 860.000 tỷ đồng. Trong đó, giao thông là chương trình được ưu tiên đang vấp điểm nghẽn về vốn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2018, TP huy động được khoảng 46.630 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, nhưng chỉ đáp ứng hơn 26% nhu cầu. Tính cả nhiệm kỳ, dự kiến TP chỉ có thể huy động vốn cho khoảng 15% nhu cầu. 
Một thách thức lớn khác, trong nhiều trường hợp, dù có vốn nhưng tiến độ nhiều công trình, dự án thực hiện rất chậm. Nhiều công trình được bố trí vốn thi công một thời gian rồi… ngưng. Nhiều dự án mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để thi công.
Tương tự, chương trình giảm ngập nước cũng gặp vướng về thủ tục, cách thức quản lý, triển khai dự án. Điển hình là dự án chống ngập do triều có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, lẽ ra hoàn thành cuối tháng 4-2018, nhưng đến nay chỉ đạt 72% khối lượng và phải dừng thi công. Như vậy, việc chống ngập đang đối diện với nguy cơ hao tốn tiền của nhưng hiệu quả không như mong muốn.
Một vấn nạn nữa, TPHCM có cả chục triệu dân nhưng đến nay vẫn chưa có tuyến metro nào, dù việc này đã được đưa ra từ nhiều năm qua. Khi xác định thời hạn hoàn thành tuyến metro số 1 trong giai đoạn 2014-2016, nhưng đến nay công trình trọng điểm này tiếp tục trễ hạn. 
Thực tế, 7 chương trình đột phá TP đang thực hiện có nhiều nội dung đã được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được và ngày càng diễn ra gay gắt hơn. Cụ thể, từ những năm 1990, TP đã nhìn thấy khả năng kẹt xe, ngập nước nên xác định quan điểm phát triển đa trung tâm, không hướng tâm, nhưng sau đó TP lại phát triển hướng tâm.
Đó là việc lập quy hoạch 930ha cho khu vực trung tâm trong quá trình triển khai đã không quản lý được, để hình thành một lượng lớn cao ốc, trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm. Cùng với đó, chương trình di dời bệnh viện, trường học ra ngoại thành dậm chân tại chỗ, nhưng trung tâm ngoại ngữ, trung tâm thương mại chen nhau mọc lên. Trong khi đó, giao thông công cộng không đáp ứng nhu cầu, giải pháp hạn chế xe cá nhân chưa đặt ra, trong khi xe gắn máy cùng với taxi công nghệ ngày càng nhiều, đã làm chật cứng đường khiến tình hình giao thông thêm phức tạp.
Như vậy, kết quả về sự dang dở của 7 chương trình đột phá hiện nay có phần từ cơ chế, chính sách, là nguyên nhân khách quan. Đó là đối với đô thị đặc biệt như TPHCM, việc phân cấp, phân quyền chưa thật sự theo hướng chính quyền đô thị, gây ra nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện. Hệ quả, mục tiêu, yêu cầu đặt ra rất hay, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Tuy nhiên, nguyên nhân hạn chế còn vì chủ quan, sự yếu kém công tác quản lý, điều hành. Theo đó, việc triển khai thực hiện các giải pháp không đồng bộ, chưa có sự tập trung quyết liệt, chưa tuân thủ chặt chẽ quy hoạch.
Vấn đề đặt ra là phải thay đổi phương thức triển khai các chương trình. Tức cần rà soát lại từng chương trình và xác định lộ trình thực hiện cụ thể đối với từng hạng mục, kèm theo đó là nguồn lực, từ đó chọn chương trình, dự án có tác động lan tỏa, tập trung thực hiện dứt điểm.
Gắn với từng đầu việc đó là trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện, giám sát, đốc thúc tiến độ. Để làm được điều này, TP cần có những giải pháp đột phá thật sự, quyết liệt, tập trung nhằm huy động được trí tuệ, nguồn vốn cho từng chương trình, công trình để phát huy được sức mạnh và thu hút các nguồn lực trong dân, trong xã hội thực hiện thành công 7 chương trình đột phá. 
Nhận diện rõ hạn chế yếu kém để có những giải pháp xử lý mang tính toàn diện, căn cơ hơn. Bên cạnh đó, xây dựng kênh lắng nghe một cách thực chất để người dân, chuyên gia, nhà khoa học góp ý kiến, nhằm khơi dậy cảm hứng, sự sáng tạo, khắc phục được tình trạng thờ ơ, trì trệ và tránh được bệnh chủ quan, duy ý chí. Nếu không có được những cơ chế, giải pháp mang tính đột phá, vẫn cứ nêu ra chương trình rồi mới bàn giải pháp triển khai, mới tính đến nguồn lực thực hiện, đến cuối nhiệm kỳ, các chương trình đột phá vẫn khó đạt được kết quả như mong muốn.

Các tin khác