Đừng coi ô tô là xa xỉ

(ĐTTCO)-Trong khi câu hỏi “Vì sao thuế về 0% giá xe hơi không giảm?” chưa được trả lời rốt ráo tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, đến lượt Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ lo ngại tình trạng 1 chiếc xe ô tô có thể phải nộp phí trước bạ 2 lần ở mức 10%. 
Đừng coi ô tô là xa xỉ
Ngoài tiền mua 1 chiếc ô tô, người tiêu dùng Việt còn phải trả phí trước bạ lên tới 12%; phí biển số cao nhất lên tới 11 triệu đồng; bảo hiểm dân sự bắt buộc, phí đăng kiểm, phí đường bộ… Như vậy, mỗi chiếc ô tô muốn lăn bánh đã phải “chở” tổng cộng 15 loại thuế phí khiến giá xe tăng có khi tới... 300%.
Chưa hết, trong dự án Luật Thuế tài sản công bố 3 tháng trước, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản đối với ô tô trị giá từ 1,5 tỷ đồng (không sử dụng vào mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách) với mức thuế 0,3% hoặc 0,4%. Nếu quy định này được thông qua, thậm chí người dân phải trả gấp 4,5 lần giá trị thực cho 1 chiếc xe.
Từ lâu, dư luận đã tỏ ý lo ngại về nguy cơ thuế chồng thuế trong nhập khẩu ô tô. Song với những gì đang diễn ra, điều này không còn là nguy cơ nữa mà đã trở thành hiện thực. Đó là việc đã qua hơn 1 năm thực hiện quy định mới về nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116, nhưng đến nay lượng xe nhập khẩu chỉ về nhỏ giọt, không đủ cung cấp cho thị trường.
Do nguồn cung thiếu hụt nên giá xe nhập khẩu liên tục tăng, dù thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã giảm từ 30% về 0% từ đầu năm 2018. Việc các dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN liên tục tăng giá từ đầu năm, khiến không ít người nghi ngờ liệu các hãng ô tô đang cố tình tạo ra tình trạng khan hàng, làm giá để hưởng lợi?
Các doanh nghiệp bán xe cũng lợi dụng cho rằng giá cao là do thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, lãi doanh nghiệp, chi phí bán hàng, vận chuyển, quản trị, marketing… Công thức trên khá phức tạp và là cái cớ để giá xe vẫn lơ lửng ở mức cao. Có quá nhiều “biến số” trong cách tính các chi phí để hình thành giá bán xe.
Chẳng hạn các chi phí như chi phí truyền thông, chi phí bán hàng, vận chuyển, quản trị, marketing… doanh nghiệp tính thế nào chẳng được, và nghiễm nhiên họ cộng tất vào giá xe. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu đưa ra các lý do khiến giá xe khó giảm sâu như chi phí lưu kho bãi tại cảng, kiểm định theo lô làm gia tăng chi phí khi nhập khẩu… Tất cả chi phí đưa ra để doanh nghiệp ô tô nhất định không chịu giảm giá bán.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng nếu tình trạng trên cứ tiếp diễn, Nhà nước sẽ bị thất thu thuế, người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế và chỉ doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi lớn. Có đại biểu gay gắt hơn khi yêu cầu Bộ Công Thương, với chức năng quản lý nhà nước, lý giải như thế nào về tình trạng bất thường trên, và ai là người phải chịu trách nhiệm? Hiện Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, đây được coi là động lực để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc hội nhập kinh tế sẽ đi kèm hàng loạt hiệp định thương mại tự do với những nội dung quan trọng về cắt giảm hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, hội nhập cũng mang lại những bất lợi, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi nếu không muốn bị ra rìa. Đặc biệt, với doanh nghiệp phải có ý thức tới lợi ích cộng đồng, bởi người tiêu dùng, khách hàng chính là đối tượng mang lại lợi nhuận và sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp.
Giá ô tô cùng hàng loạt mặt hàng khác được dự đoán tiếp tục giảm giá sốc khi Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức được ký kết. Theo lộ trình, một loạt dòng thuế từ các nước trong CPTPP sẽ vào Việt Nam với thuế 0%. Trong số đó có mặt hàng ô tô.
Hiện trong khối CPTPP, Việt Nam đang nhập khẩu ô tô từ 2 nước là Nhật Bản và Canada. Trong bối cảnh này, cộng với việc ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm lối thoát, nếu chúng ta vẫn không bỏ được tư duy coi ô tô là mặt hàng xa xỉ, phải đóng thuế cao, câu hỏi “Khi nào mua được ô tô giá rẻ tại Việt Nam” vẫn chưa có lời đáp.

Các tin khác