Đừng thờ ơ với dịch tả heo

(ĐTTCO) - Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, hồi đầu tháng 3 đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các địa phương phương, chỉ đạo công tác chống dịch. 
Đừng thờ ơ với dịch tả heo
Thủ tướng khẳng định "chống dịch phải như chống giặc", các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng chống dịch. Khi đó "giặc" mới chỉ có ở 7 địa phương, chỉ 2 ngày sau cuộc họp do Thủ tướng chủ trì, đã có thêm 2 tỉnh có heo mắc bệnh, và đến ngày cuối tuần qua "giặc" đã lan ra 17 tỉnh thành trên cả nước, với tổng số heo tiêu hủy hơn 23.440 con.
Với tình hình chưa có dấu hiệu dịch ngừng lan rộng, nếu không quyết liệt, thời gian tới có nguy cơ dịch sẽ lan ra 3 khu vực trọng điểm là các tỉnh đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc và khu vực phía Nam.
Thực tế, từ năm 2017-2018 đã có nhiều hội thảo cảnh báo về dịch tả heo châu Phi.  Các giải pháp phòng chống dịch cũng được đưa ra, như hạn chế nhập thịt từ các nước có dịch bệnh và tăng cường kiểm nghiệm nguồn thịt nhập vào Việt Nam; kiểm soát các nguồn nguy cơ gây lây lan dịch bệnh, trong đó có việc kiểm soát chất thải chăn nuôi ra môi trường; các cơ quan chức năng cần lập ngay đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý và ứng phó với dịch bệnh…
Đặc biệt, tính từ năm 2017 đến ngày 18-2-2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả heo châu Phi, trong đó nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc - nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Tháng 8-2018, Trung Quốc phát hiện ổ dịch đầu tiên tại tỉnh Hắc Long Giang. Đến cuối tháng 2-2019, Trung Quốc có 110 ổ dịch tại 28 tỉnh và khu vực, nhiều ổ dịch nằm tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông, ngay gần biên giới với Việt Nam. 

Thế nhưng việc nhập heo sống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch về Việt Nam không qua kiểm dịch vẫn diễn ra bình thường. Kết quả giải trình tự gen của các mẫu bệnh phẩm của Cục Thú y, cho thấy virus gây bệnh tại Việt Nam giống 100% chủng virus dịch tả heo châu Phi tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, tình trạng người dân giấu dịch, bán tống bán tháo heo bệnh vẫn tái diễn, trong khi chính quyền địa phương nhiều nơi thờ ơ khi không có giải pháp ngăn chặn. Đây là những nguyên nhân chủ quan khiến dịch lây lan nhanh chóng. 

Cũng cần thông cảm với nông dân, đàn heo là một tài sản lớn đối với họ. Cả năm vất vả chăm bẵm, nuôi được lứa heo lại mắc bệnh, coi như trắng tay. Nhưng không thể vì lo sợ trắng tay mà đem số heo bệnh bán ra thị trường để vớt vát. Như thế chẳng khác gì phát tán virus lây bệnh ra khắp nơi.

Thực tế, những hộ nông dân có heo bệnh không mất hết. Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt, và tăng gấp 1,5-1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy. Số tiền hỗ trợ này người nông dân cũng phải hiểu rằng đây chỉ là hỗ trợ để cùng chia sẻ với thiệt hại của họ, chứ không phải khoản tiền đền bù, và Nhà nước càng không thể đủ kinh phí hỗ trợ 100% thiệt hại của người dân. 

Trách người nông dân một, phải trách chính quyền địa phương hai. Nếu chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt, thực hiện các biện pháp mạnh, ngăn chặn tốt, kịp thời như chỉ đạo của Thủ tướng, chắc chắn dịch sẽ không lây lan nhanh như vậy.

Dù đến nay đã có một số tỉnh thành có dịch đang nỗ lực thực hiện các giải pháp không để lây lan, nhưng đa số cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương đều chưa đưa ra được các chương trình hành động cụ thể nào để ứng phó với dịch bệnh; tình trạng giết mổ lậu vẫn tồn tại, việc kiểm soát kinh doanh heo chưa được kiểm soát... thì hoàn toàn có thể xảy ra con heo bệnh được tự do mua bán khắp nơi.

Dù dịch chỉ lây từ heo sang heo, không lây sang người, nhưng nếu lây lan rộng, dịch sẽ uy hiếp tổng đàn heo 28,1 triệu con. Nếu biết số thịt heo chiếm 70% sản phẩm thịt các loại, sẽ thấy thiệt hại lớn thế nào khi dịch lây lan rộng ra cả nước. Vì thế, chống dịch tả heo châu Phi không đơn thuần là việc của chi cục thú y, của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn.

Theo đó, nếu lãnh đạo các địa phương để xuất hiện dịch bị xử lý nghiêm làm gương, có lẽ khi đó cuộc chiến chống dịch - chống “giặc” mới thực sự quyết liệt, hiệu quả hơn. Cần nhắc lại, ngay tại cuộc họp quan trọng Thủ tướng đích thân chủ trì nêu trên, vẫn có địa phương chỉ cử lãnh đạo chi cục thú y dự, khiến Thủ tướng không hài lòng.

Các tin khác