Gập ghềnh vốn, thủ tục

(ĐTTCO) - Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị định 210/2013 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đến nay cả nước có 64 dự án tại 23 địa phương được hỗ trợ. 
Gập ghềnh vốn, thủ tục
Các dự án đang triển khai đã tạo thêm việc làm, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại các địa phương có dự án. Số lượng DN trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp liên tục gia tăng, từ 2.379 DN (năm 2007) lên 3.635 DN (năm 2014). Tính chung 8 tháng năm 2017, cả nước có thêm 1.156 DN đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, đưa số lượng DN đang hoạt động trong lĩnh vực này đạt trên co số 5.000.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này còn chậm, chiếm dưới 1% tổng số DN cả nước; quy mô DN nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, khoảng 55% có quy mô vốn ở mức dưới 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, DN hoạt động trong lĩnh vực này còn yếu kém về năng lực liên kết với nông dân, với các đối tác; khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ còn thấp khi 75% DN đang sử dụng máy móc hết khấu hao. 
Ngoài ra, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5,4-5,6% tổng đầu tư cả nước. Ngân sách nhà nước giải ngân cho mục tiêu thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn hẹp, vốn bố trí cho 64 dự án này sau mỗi năm lại... bớt đi một nửa.
Cụ thể, năm 2015 bố trí được 168 tỷ đồng; năm 2016 là 78 tỷ đồng và năm 2017 chỉ còn 32 tỷ đồng, trong tổng số 380 tỷ đồng Nhà nước cam kết. Trong khi để thực hiện 64 dự án trên cần mức đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng.

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trên được chỉ ra do chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp; đặc biệt chưa tạo động lực mạnh mẽ cho DNNVV tham gia đầu tư, DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều tiêu chí quy định quá cao (quy mô, công suất, công nghệ, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương), thủ tục phức tạp, làm cho nhà đầu tư khó tiếp cận với chính sách. Chẳng hạn, quy định dự án được hưởng ưu đãi phải sử dụng tối thiểu 60% nguyên liệu và 30% lao động địa phương song thực tế, các dự án khó đạt được yêu cầu này… Đặc biệt, để được hưởng ưu đãi, DN phải thực hiện khoảng 16 bước, với khoảng 40 văn bản có liên quan để triển khai dự án đầu tư. Điều này làm nản lòng nhà đầu tư.

Hiện, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển DN trong nông nghiệp, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9 này. Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách được mở rộng đối với DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, DN ngoài ngành có dự án đầu tư vào nông nghiệp, DN thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, còn có các chính sách hỗ trợ về đất đai như chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tạo quỹ đất sạch cho DN thuê làm trụ sở, nhà máy chế biến và hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Ưu đãi về thuế như gia hạn toàn bộ tiền thuế phải nộp tối đa không quá 2 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với nhóm 1 và nhóm 2; gia hạn toàn bộ tiền thuế phải nộp tối đa không quá 1 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với nhóm 3 và nhóm 4; miễn trả lãi và trả nợ gốc 1-3 năm đối với dự án thuộc các nhóm 1, 2, 3 và 4…

Trên tinh thần xem DN là lực lượng chủ đạo để dẫn dắt nông nghiệp, cần thay đổi cách tiếp cận của chính sách bởi lâu nay chủ yếu dựa trên việc hỗ trợ DN mang tính ban phát. Do vậy, để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nên theo hướng giảm bớt xin - cho bằng tiền. Thay vào đó, nên chuyển sang cơ chế, chính sách khuyến khích, không phải bằng việc ưu đãi vốn được áp dụng lâu nay.
Bên cạnh việc coi DN là chủ thể của nền sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về thị trường, đặc biệt thủ tục hành chính cần hết sức đơn giản để khuyến khích, tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực sự tạo môi trường công bằng, bình đẳng, đặc biệt giảm được sự “gập ghềnh” trong chính sách vốn, thủ tục, chừng đó mới mong thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp một cách thực chất.

Các tin khác