Giải ngân ì ạch, tăng trưởng khó đạt

(ĐTTCO) - Theo Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) 6 tháng đầu năm 2017 và giải pháp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.
Giải ngân ì ạch, tăng trưởng khó đạt
Tính đến hết ngày 6-7, tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt 130.944,7 tỷ đồng, hoàn thành hơn 71% kế hoạch, lãi suất phát hành giảm mạnh so với cuối năm 2016. Với kết quả này, dù mới chớm hơn nửa chặng đường nhưng cũng có thể nói 2017 là một năm khả quan của TPCP.
Cũng theo báo cáo của KBNN, trong 6 tháng đầu năm, tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống KBNN ước đạt 637.594 tỷ đồng. trong khi đó mức chi NSNN lại khá thấp, chi thường xuyên qua KBNN ước đạt 359.527 tỷ đồng, bằng 39,8% dự toán (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, ước giải ngân nguồn vốn Chính phủ giao 87.739,5 tỷ đồng, chỉ đạt 29,8% so với kế hoạch Nhà nước giao cấp qua KBNN; giải ngân nguồn vốn khác 9.266,7 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch. 

Còn theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) rất dồi dào kể từ sau tháng 5 sau khi có dấu hiệu căng thẳng cục bộ theo chu kỳ đến hết tháng 4. Tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm ước tăng 6,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 10,2%). Trong đó tiền gửi khách hàng ước tăng 6,5%, phát hành giấy tờ có giá tăng 12,8% so với cuối năm 2016.
Đáng chú ý thanh khoản của hệ thống NH tiếp tục được hỗ trợ do tiền gửi của KBNN tại các NH tăng bởi giải ngân đầu tư công chậm. Tính đến cuối tháng 5 tiền gửi của KBNN 143.000 tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Như vậy, việc chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã khiến nguồn vốn nhàn rỗi từ KBNN chảy vào NH. 

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho biết, việc giao vốn TPCP rất khó khăn. Tổng vốn đầu tư năm 2017 là 66.485 tỷ đồng, trong đó có 50.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch 2017 và trên 16.458 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư năm 2016 được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang 2017. Nhưng 6 tháng mới giao được 5.197 tỷ đồng thuộc kế hoạch 2017, chiếm 10,4%, trong khi  vốn TPCP chuyển nguồn cũng chỉ giao được hơn 6.200 tỷ đồng, còn gần 55.000 tỷ đồng chưa giao. 

Các con số trên cho thấy một thực trạng hiện nay là các dự án đầu tư công chậm giải ngân và TPCP phát hành xong phải trả lãi nhưng lại nằm trong kho. Thực tế này chỉ ra nghịch lý: Chính phủ có 120.000 tỷ đồng đang phải gửi kho bạc, trong khi các công trình lại đói vốn, và những vướng mắc thủ tục từ Luật Đầu tư công khiến cho giải ngân vốn đầu tư công bị chậm. Trong khi đó từ đây đến cuối năm 2017, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong quý III phải cơ bản giải ngân các dự án đầu tư của năm 2017 đúng theo tiến độ. 

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công dẫn đến hệ quả nhà thầu xây dựng làm xong thủ tục nhưng không được giải ngân vốn, phải đi vay tiền trả lãi để thi công, trong khi tiền của chủ đầu tư là Nhà nước nằm đó không chi được do thủ tục. Điều này gây tác động tiêu cực, không chỉ liên quan đến phía ngân sách mà còn phải nhìn về phía xã hội. Nếu nhà thầu không phải vay NH, dòng tiền đó của NH có thể làm được những việc khác.
Như vậy, đầu tư từ ngân sách đáng lý kích thích cho đầu tư tăng trưởng nhưng lại làm nghẽn một dòng tiền khác, mất thêm một nguồn lực nữa. Đây là điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công xu hướng ngày càng cao, cần phải tháo gỡ.

Thời gian qua, KBNN gửi tiền tại các NH đã hỗ trợ rất lớn cho thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để ổn định tỷ giá và hạ lãi suất. Nhưng trong thời điểm này, vấn đề quan trọng hơn là phải sớm có giải pháp để giải ngân nguồn vốn này, vì các dự án sử dụng nguồn vốn từ NSNN chậm triển khai sẽ ảnh hưởng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.
Và để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng trên 7,4%. Đây là mức cao nhưng có thể thực hiện được thông qua các giải pháp như thành lập doanh nghiệp, đầu tư, mở rộng kinh doanh, tăng trưởng tín dụng, phát triển ngành lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Và đặc biệt cần tháo gỡ vướng mắc để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn đầu tư từ NSNN nói riêng, song song việc việc nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Các tin khác