Giữ thị trường nội trước khi xuất ngoại

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh thị trường nước ngoài liên tục dựng lên hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng xuất khẩu đến từ các nước, trong đó có Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nội địa đã quay về thị trường trong nước đầu tư giữ thị phần.
Giữ thị trường nội trước khi xuất ngoại

 Thực tế, quy mô thị trường Việt Nam được đánh giá lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ nhì ở thị trường châu Á. Với quy mô hơn 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam được cải thiện nhiều trong những năm qua và đạt mức trên 2.000USD/người/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP/đầu người hàng năm cao trên thế giới. Cụ thể, trong nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, trong thập niên 2007-2017, Việt Nam được ghi nhận mức tăng trưởng GDP/đầu người hàng năm cao thứ tư, ở mức 10%/năm. Tình hình trên cho thấy dư địa cho hàng Việt tại thị trường nội địa rất lớn. Vấn đề là chúng ta đã phát huy hết dư địa dồi dào này chưa.

Tình hình trên cho thấy dư địa cho hàng Việt tại thị trường nội địa rất lớn. Vấn đề là chúng ta đã phát huy hết dư địa dồi dào này chưa. Bởi thực tế, việc chưa đánh giá đúng tiềm năng của thị trường nội địa đang gây bất lợi cho chính doanh nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng nội địa. Dân số trẻ, đông, sức mua cao, Việt Nam là thị trường tiêu thụ được đánh giá cao.

Tuy nhiên, tâm lý sính ngoại trong tiêu dùng không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, nuôi trồng trong nước, mà còn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất nước ngoài. Nếu trước đây chủ yếu là doanh nghiệp các nước trong khu vực tìm đến, hiện nay các nhà sản xuất trên khắp thế giới cũng đã đến Việt Nam tiếp thị, vì hội nhập đang ngày càng rộng mở.

Điều này có nguyên do của nó. Đó là hàng ngoại dù đắt hơn vẫn được người mua trong nước lựa chọn do chất lượng, sự ổn định, sự đa dạng, dịch vụ hậu mãi... Lý do quan trọng hơn là nhiều mặt hàng trong nước mất uy tín do một số đơn vị làm ăn chụp giựt. Tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp... cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin người tiêu dùng.

Cứ nhìn ra thị trường sẽ thấy, trong khi nông sản nội kêu cứu vì ế đồng, dội chợ, hàng cùng loại nhập khẩu vẫn tiêu thụ ào ào. Đơn cử, mới đây hàng trăm tấn thanh long ruột trắng, ruột đỏ ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang rớt giá thê thảm vì không ai mua, trong khi thanh long ruột đỏ Đài Loan giá hơn 500.000 đồng/kg nhập về vẫn tiêu thụ tốt.

Không chỉ ở chiều mua, ngay cả ở chiều bán, chúng ta cũng sính ngoại. Có bao nhiêu đồ ngon, tốt, chất lượng để dành xuất khẩu, những thứ còn lại, bán nội địa. Nghịch lý là rất nhiều mặt hàng xuất khẩu giá thấp hơn bán nội địa. Thống kê cho thấy có tới hơn 20 mặt hàng khối lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thấp hoặc rất thấp. Mải mê nuôi, trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia để xuất khẩu với số lượng và giá cả rất khiêm tốn, lợi nhuận cũng không bao nhiêu vì chi phí quá lớn, trong khi để ngỏ thị trường nội địa rộng mênh mông cho nước ngoài chiếm lĩnh.

Chính vì thế mới có chuyện vài nông sản bị Trung Quốc ngưng mua chất đống ngoài đồng; xuất khẩu gặp khó vì hàng rào kỹ thuật ở nước ngoài. Trong khi nhiều công ty Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư trồng bưởi, nuôi gà ở Nghệ An, trồng rau quả sạch ở Lâm Đồng rồi xuất khẩu trở lại chính quốc.

Chúng ta ủng hộ cạnh tranh, nhưng những gì chúng ta có thể nuôi trồng, sản xuất được ít nhất cũng không để mất thị trường trong nước vào tay nước ngoài. Vì thế, tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), doanh nghiệp Việt cần tận dụng các cơ hội hiệp định này mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thể chế để mở rộng thị trường, nhưng hãy khai thác tiềm năng thị trường nội địa trước. Một điều tra dư luận xã hội mới đây về kết quả 9 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho thấy có tới 63% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên hàng Việt, 54% người khuyên người thân, bạn bè mua hàng Việt… 

Đã đến lúc cần thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ chăm chăm xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới đáp ứng nhu cầu trong nước để giành lại thị trường nội địa từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Các tin khác